Hôm nay (24/2) là thời điểm không thích hợp cho các du khách muốn tới thăm quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám, vì sẽ phải chen chúc trong lớp lớp người tới tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11. Mặc dù vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám hôm nay vẫn mất tiền vé  (không như năm ngoái được miễn phí vé vào cửa trong ngày này) song số lượng người tham gia không suy giảm. Một bao tải vé đã xé ở cửa ra vào cho thấy thơ cũng có tác dụng kích cầu trong những điều kiện nhất định.

ngay%20tho%201.jpg
Ngày thơ năm nay ưu tiên cho đối tượng học sinh - sinh viên nhưng khán giả chủ yếu vẫn là những người lớn tuổi

Nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga lần đầu tiên tham dự Ngày thơ Việt Nam trong nước ngạc nhiên tới ngỡ ngàng khi thấy lễ hội được tổ chức hoành tráng và đông người tham dự đến vậy. Ông Thủy cho biết hôm nay tại Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nga cũng tổ chức đêm thơ nguyên tiêu. Ngoài những màn trình diễn của các hội viên trong hội còn có sự tham gia của các nhà thơ các nước hiện đang sinh sống tại Nga. Trong đêm thơ, họ sẽ giao lưu với nhau, đọc thơ bằng cả hai thứ tiếng.

Thì ra, ở đâu cũng vậy, ngày thơ là dịp cho các nhà thơ, những người yêu thơ giao lưu, gặp gỡ với nhau là chính. Ông Thủy chưa kịp xem các màn biểu diễn trên sân khấu nhưng rất phấn khởi vì đã gặp được những người bạn thơ, bạn văn trong nước, trong đó có những người mà bấy lâu nay ông mới chỉ gặp gỡ qua điện thoại, email.

Ông Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga

Tại khu vực của các câu lạc bộ thơ, các bạn thơ gặp nhau còn hồ hởi lập chiếu rượu ngay bên cạnh “lán thơ”. Còn micro, loa đài để đọc thơ trong khu vực này thì không lúc nào được rỗi, dù các màn trình diễn thường không phải là thơ.

Với chủ đề “Tuổi trẻ và Tố quốc”, Ngày thơ năm nay ưu tiên dành cho các đối tượng học sinh – sinh viên song trong cả sân “thơ già” và sân “thơ trẻ”, những khán giả kiên nhẫn ngồi xem phần lớn vẫn là những người lớn tuổi. Còn tuổi trẻ thì bận đi chụp hình nhiều hơn vì Văn Miếu – Quốc Tử Giám hôm nay được trang hoàng rực rỡ, bắt mắt hơn ngày thường. Ngô Thị Kim Ngân, sinh viên năm thứ 3 Đại học Văn hóa cho biết tới Ngày thơ do được thầy giáo khuyến khích chứ không yêu thích thơ nhiều lắm. Song đến đây cũng giúp Ngân biết thêm nhiều nhà thơ, nhất là các nhà thơ trẻ.

Bên cạnh "túi thơ" còn là "bầu rượu"

PGS.TS Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí (Đại học Văn hóa) cho rằng Ngày thơ Việt Nam nên giãn cách tần suất tổ chức với quy mô toàn quốc và rầm rộ như thế này, khoảng 2 -3 năm tổ chức một lần, những năm còn lại thì chỉ làm lễ dâng hương hoặc tổ chức hội thảo, hoặc đưa về các tỉnh. Khi năm nào cũng tổ chức thì sẽ dẫn đến tình trạng dễ bị nhàm chán, lặp đi lặp lại.

Thực tế thì phần trình diễn, cách tổ chức Ngày thơ năm nay không có gì mới lạ, song ít nhất cũng khiến người yêu thơ phấn khởi vì thơ được tôn vinh và dân ta vẫn còn say thơ lắm lắm./.