Ngày Thơ Việt Nam, qua 8 lần tổ chức với nhiều thử nghiệm, sáng tạo đã thực sự trở thành dịp hội tụ lớn của giới nghệ sỹ và công chúng yêu thơ cả nước. Người yêu thơ đã có thói quen mong chờ một lễ hội trang trọng vào mỗi dịp Rằm tháng Giêng. Ngày thơ lần thứ IX năm nay, ngoài điểm tổ chức quen thuộc là Văn Miếu Hà Nội, công chúng yêu thơ thành Vinh - tỉnh Nghệ An cũng có được một dịp thưởng thức những nét đặc sắc của thú nghe thơ, xem thơ và trở về quá khứ trên quê hương Bác.
Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, 70 năm ngày Bác trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, song hành với các hoạt động diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những ngày xuân ấm áp đầu năm 2011, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX đã chính thức khai mạc tại Nghệ An - quê hương của nhà thơ Hồ Chí Minh, tác giả bài thơ "Nguyên Tiêu" nổi tiếng. Đây cũng là cái nôi giàu truyền thống văn hoá và cách mạng, là đất sinh thành, nuôi dưỡng các nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc Việt Nam như Hồ Xuân Hương - Bà Chúa thơ Nôm, như Phan Bội Châu với những áng văn thơ bất hủ tràn đầy nhiệt huyết yêu nước thương nòi.
Nhân dân Nghệ An trong lao động sản sinh ra nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị và chính từ nhân dân đã hun đúc nên những tác giả thơ tiêu biểu, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, có sức lan toả dài lâu trong cuộc sống.
Chiều ngày 11 tháng Giêng (âm lịch), các văn nghệ sĩ đã cùng Hội Nhà văn hành hương về quê Bác dâng hương ở mộ phần của đại thi hào Nguyễn Du; dâng hoa ở Bảo tàng Kim Liên và về vườn nhà Bác xin đất. Khác với mọi năm có rước thơ, rước lửa từ Đền Hùng, năm nay Ngày thơ rước đất lấy từ vườn Kim Liên và nước từ suối Lê Nin. Đoàn rước đất do nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu. Đoàn rước nước do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm trưởng đoàn. Đất và nước từ hai hướng về Hà Nội được thờ ở Hội Nhà văn một đêm rồi rước ra Văn Miếu làm lễ. Đây là hai hình ảnh biểu trưng cho đất mẹ và suối nguồn của cách mạng, kháng chiến, đồng thời cũng mang ý nghĩa thực tế bởi đất Kim Liên là nơi Bác ra đi, còn suối Lê Nin là nơi Bác trở về.
70 quả bóng gắn 70 câu thơ được thả lên trời |
Đúng vào buổi sáng ngày lễ Tình yêu 14/2, lá cờ thơ được ông Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An và nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kéo lên đỉnh cột cờ, tung bay phấp phới trong sự náo nức của người dân Thành Vinh - những người dành cho thơ một tình yêu thầm lặng mà mãnh liệt. Hình thức thả thơ tại lễ khai mạc cũng đã hấp dẫn đông đảo công chúng yêu thơ. Từ Quảng trường Hồ Chí Minh - TP Vinh, 70 nữ sinh cầm 70 quả bóng bay có gắn 70 câu thơ chọn lọc được tung lên bầu trời hòa cùng khí xuân của đất trời và niềm hân hoan của lòng người.
Nằm trong chương trình Ngày thơ Việt Nam tại Nghệ An, Ban tổ chức quyết định công chiếu bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải” tại Trung tâm Phát hành phim và Rạp chiếu bóng 12/9 để công chúng có dịp hiểu thêm cuộc đời hoạt động và con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Diễn xuất chân thực, cảm động của các nghệ sĩ Minh Hải, Mỹ Duyên… đã giúp hơn 500 khán giả có mặt tại khán phòng hôm đó đã cảm nhận rõ hơn về con đường vất vả, gian truân mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trải qua trong hành trình nuôi dưỡng, phát triển tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hongkong - Thượng Hải (quãng thời gian từ 1933-1934).
Chủ đề của Ngày thơ Việt Nam năm nay là "Bác Hồ - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất" nên mọi hoạt động trong ngày thơ tại Nghệ An đều gắn với nội dung này, trong đó điểm nhấn quan trọng là chương trình giao lưu đêm thơ Nguyên Tiêu tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp với sự tham gia của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức và các nghệ sỹ tên tuổi như Quang Thọ, Thái Bảo, Tiến Dũng…
Khán giả được thưởng thức những khúc ca đi cùng năm tháng như "Đêm Nguyên Tiêu", "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", "Hạt gạo làng ta", "Người về thăm quê", "Nắng có còn xuân", "Thăm bến Nhà Rồng", "Thuyền và biển", "Khúc hát sông quê", "Người là niềm tin tất thắng"... phổ thơ của các nhà thơ nổi tiếng cũng có mặt tại TP Vinh trong đêm thơ như Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Hoàng Trần Cương, Tuyết Nga, Thạch Qùy, Phan Văn Từ, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Nguyễn Trọng Tạo...
Ban tổ chức dành một thời lượng đáng kể để công chúng có dịp giao lưu với các nhà thơ. Những bài thơ về Bác được trình bày bởi chính các tác giả Bằng Việt (bài “Về Nghệ An thăm con”), Anh Ngọc (bài “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”), Trần Minh Hồ (bài “Thời gian của Bác”)… hay bài thơ “Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi” dưới giọng đọc đầy xúc cảm của nhà thơ Mai Phương đã thực sự thuyết phục được công chúng thành Vinh.
Giao lưu với các nhà thơ |
Ngày Thơ Việt Nam tại Nghệ An, ngay từ lần đầu tổ chức, đã được đông đảo cán bộ, nhân dân, đặc biệt là lực lượng sáng tạo văn học nghệ thuật hưởng ứng. Qua sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ yêu thơ tại các trường ĐH Vinh, Cao đẳng VHNT Nghệ An, THPT Diễn Châu 1, Trung tâm văn hoá huyện Hưng Nguyên..., tính chất một Lễ hội Thơ đã định hình rõ nét. Qua đó, Ngày Thơ Việt Nam có cơ sở để tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh giá trị thơ ca; phục vụ nhu cầu hưởng thụ giá trị tinh thần và đời sống tâm hồn của đông đảo công chúng yêu thơ, nâng cao hiệu quả trong quá trình lao động sản xuất.
Bạn đọc cũng mong mỏi những sáng tạo của các nhà thơ quê hương mang hồn cốt sông Lam, núi Quyết nhiều hơn nữa, vang xa hơn nữa, phát huy bản sắc và niềm tự hào về mảnh đất thành Vinh như tâm sự của nhà thơ Thạch Qùy: “Thơ ca thời chống Pháp, các tác giả ở Nghệ An có bài Thăm lúa, Đêm nay Bác không ngủ, Bộ đội về làng… Như vậy ở Nghệ An có rất nhiều tác giả và nhiều bài thơ nổi tiếng để đóng góp vào phong trào thơ, chúng ta có thể kể đến Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Hoàng Trung Thông, Hồ Khải Đại và rất nhiều tác giả khác. Thời chống Mỹ ở Nghệ An có khoảng 60-70 nhà thơ cầm bút viết từ đầu kháng chiến đến cuối kháng chiến và đã đóng góp những bài thơ ngay từ trận đầu và đến tận giải phóng miền Nam họ vẫn tiếp tục sáng tạo”.
Dư luận cũng như ý kiến của anh chị em văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh mong muốn Nghệ An sớm xây dựng lại Văn miếu Vinh làm địa chỉ trung tâm cho các hoạt động lưu giữ, phát huy các giá trị văn hoá xưa và nay của người xứ Nghệ, trong đó có việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam và ngày thơ Nghệ An thường niên tại đây./.