Thời tiết Hà Nội hôm nay dường như chiều theo lòng người, ấm hơn so với những ngày truớc. Những người yêu thơ vào Văn Miếu Quốc Tử Giám tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10 ngày càng đông. Ở đó người ta thấy cả những cụ già, những gương mặt nhà thơ thân quen, những nhà thơ quốc tế, thậm chí cả những em bé nhỏ tuổi. Dọc hai bên đuờng vào khu Thái học đuợc chia thành nhiều khu vực của các Câu lạc bộ thơ trong nước. Đó là các không gian thơ nhỏ của Câu lạc bộ thơ Lục bát, Câu lạc bộ thơ ca cổ truyền, câu lạc bộ thơ Công nhân Việt Nam… Văn Miếu Quốc Tử Giám hôm nay nhộn nhịp và đầy sắc hoá trang trí hơn so với vẻ yên tĩnh, thâm nghiêm hàng ngày.

Ông Phùng Tập- chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Hương Quê- thị trấn Như Quỳnh- Văn Lâm- Hưng Yên nói: “Tôi thuờng xuyên tham gia Ngày Thơ Việt Nam. Tôi thấy hình thức ngày càng phong phú hơn và nội dung ngày càng sâu đậm hơn. Ngày Thơ Việt Nam có tác dụng thúc đẩy phong trào thơ của quần chúng mạnh hơn”.

151458_550.jpg

Ảnh: TPO

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10 có sự tham gia của 67 nhà thơ, đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính vì thế, khác với mọi năm, ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10 gồm có hai sân thơ chính: sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế. Nơi đây, các nhà thơ nước bạn có cơ hội đuợc thể hiện và đóng góp những sáng tác, thậm chí là đọc lại những bài thơ nổi tiếng của Việt Nam.

Nhà thơ Mạc Phi- đến từ Trung Quốc chia sẻ: “Tôi sang Việt Nam đã 2 ngày rồi. Tại Hạ Long chúng tôi đã cùng các đại biểu Việt Nam và quốc tế nghe và đọc thơ của mình, của các bạn. Chúng tôi đã tham dự 2 đêm thơ tại đó. Và hôm nay chúng tôi lại tới Văn Miếu để tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10 của các bạn. Tôi cảm thấy các bạn rất yêu thơ, nguời nguời yêu thơ và làm thơ. Thật là tuyệt”.

Cũng trong sáng nay, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chương trình Ngày Thơ Việt Nam chủ đề: “Thành phố 10 mùa thơ”

Đây là lần thứ 10 ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại thành phố, với sự tham gia của 16 câu lạc bộ thơ, ca đến từ các quận, huyện và các đơn vị có phong trào Thơ mạnh của thành phố Hồ Chí Minh. Ngày thơ Việt Nam 2012  gồm 3 nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội trại Thơ ca, hội thi trang trí lều thơ, ngâm thơ, biểu diễn sân khấu hóa, võ thuật trên nền thơ… trong đó hoạt động thể hiện thơ bằng chữ thư pháp đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến tham quan thưởng lãm.

Ông Lê Quang Trang, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà Văn thành phố cho biết: Năm nay, Hội Nhà Văn thành phố đặc biệt quan tâm và ưu tiên cho những cây bút trẻ biểu diễn tại chương trình để khuyến khích cho phong trào sáng tác trong giới trẻ hiện nay, bên cạnh những giải thưởng thường lệ Ban tổ chức còn dành nhiều giải thưởng cho khán gia tham cổ vũ nhiệt tình tại chương trình góp phần mang lại không khí sôi động cho ngày thơ Việt Nam của thành phố.

Đúng vào ngày này cách đây 10 năm, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất đuợc tổ chức theo quyết định của Bộ Văn hoá Thông tin, tức Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch hiện nay. 10 năm qua, Ngày Thơ Việt Nam đã đuợc tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, thu hút hàng vạn người tham dự.

Qua mỗi lần tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam ngày càng đuợc cải tiến, nâng cao, bổ sung với nhiều hoạt động phong phú. Cho đến nay, Ngày Thơ Việt Nam đuợc coi là một lễ hội văn hoá, một mỹ tục mới trong sinh hoạt tinh thần nguời Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết:

Có hai điểm quan trọng nhất mà sau 10 năm qua chúng ta làm được: một là nó đã thực sự biến Ngày Thơ trở thành một lễ hội văn hoá, không chỉ riêng cho các nhà thơ và những nguời yêu thơ nữa. Nó đã trở thành một lễ hội văn hoá, một lễ hội của tinh thần. Qua Ban quản lý văn hoá chúng tôi biết lượng nguời tham gia mỗi năm lại nhiều hơn. Luợng nguời nuớc ngoài quan tâm nhiều hơn. Hình thức cho ngày thơ mỗi năm lại đa dạng và phong phú hơn.

Ngày Thơ Việt Nam cũng là dịp để những nguời yêu thơ đọc lại những áng thơ hay của thế hệ đi truớc, nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài thơ “Rằm tháng Giêng”, nhớ đến tinh thần của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ đó mới thấy đuợc tinh thần của nhân dân ta qua những buớc thăng trầm lịch sử. Một dân tộc dù có trải qua bao khó khăn vẫn luôn yêu đời, yêu tự do, hoà bình không chỉ trong những cuộc chiến đấu mà còn với cả những vần thơ.