Tôi bị day dứt bởi chia sẻ của những nghệ sĩ dòng nghệ thuật truyền thống về sự khó khăn mọi bề của sân khấu truyền thống nhiều năm trở lại đây. Chưa nói đến vấn đề nghệ thuật truyền thống sẽ đi về đâu, mà câu chuyện nan giải ngay trước mắt là: Họ làm thế nào để sống và giữ nghề?
Khó khăn từ sở thích “xem chùa” của khán giả
Một chiều nhá nhem tối, sau buổi tập luyện cho một thí sinh tham dự cuộc thi ca cải lương, nghệ sĩ Thu Trang (Nhà hát Đài TNVN) dốc bầu tâm sự về cuộc sống chẳng mấy dễ dàng của các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống (NTTT) hiện nay.
Các thế hệ nghệ sĩ vẫn âm thầm giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống. |
“Khán giả dường như chưa bao giờ vơi bớt yêu mến nghệ thuật ca cải lương. Mỗi khi có vở cải lương mới được duyệt, hay chỉ là một buổi diễn nhân dịp Vu lan là khán giả đến chật kín rạp. Họ hào hứng, say mê xem từ đầu tới cuối vở diễn. Thế nhưng, đó chỉ là khi khán giả được phát vé mời, còn nếu bảo phải mua vé thì họ lặng thinh, không đi xem nữa. Tôi không hiểu nổi vì sao khán giả tiếc tiền mua vé xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trong khi lại sẵn sàng bỏ ra từ một đến vài triệu để mua vé xem sân khấu ca nhạc trẻ!”, nghệ sĩ Thu Trang buồn bã thốt lên.
Nghệ sĩ Vũ Mạnh Linh, diễn viên Đoàn biểu diễn 1, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng cho hay: “Tình cảnh của nghệ thuật Tuồng cũng tương tự khi mỗi lần ra mắt vở mới, gửi giấy mời thì khán giả đến rất đông đủ, còn bán vé thì không mấy ai chịu mua”.
Từ lâu rồi, các buổi biểu diễn NTTT đã không thể bán vé “tay bo”. Các nhà hát NTTT hiện nay hầu như chỉ sống bằng những hợp đồng biểu diễn với các địa phương, đơn vị khi có sự kiện, lễ hội, tết nhất... hoặc các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Hiếm hoi “sân chơi” để cảm xúc thăng hoa
Đã thế, cái khát khao của các nghệ sĩ là các nhà hát có sân khấu biểu diễn đạt chuẩn để họ được thăng hoa với nghề trong mỗi đêm diễn vẫn mãi chỉ là mong ước. Sân khấu của hầu hết các nhà hát hiện nay chỉ dùng để tập luyện chứ không đủ tiêu chuẩn để biểu diễn. Mỗi khi có buổi tổng duyệt vở, các nhà hát vẫn phải đi thuê rạp. Dù Bộ VH-TT&DL đã tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật mỗi năm được một vài lần biểu diễn tại Nhà hát Lớn, thế nhưng số buổi diễn ít ỏi như vậy không đủ để đưa NTTT đến với đông đảo khán giả.
“Còn mỗi lần về các vùng quê biểu diễn, các nghệ sĩ phải diễn trên những sân khấu là hội trường nhà văn hóa, thậm chí là sân khấu gỗ được dựng tạm, ánh sáng, âm thanh không đảm bảo, và bị lược bớt đi rất nhiều thứ mà lẽ ra phải có ở sân khấu. Và như thế, nghệ sĩ lấy đâu ra cảm xúc để có thể thăng hoa! Khán giả cũng thiệt thòi vì không được thưởng thức một “thánh đường nghệ thuật””, nghệ sĩ Dạ Hương, Nhà hát cải lương Việt Nam trải lòng.
NSƯT Thu Trang trong một buổi giao lưu với khán giả. |
Sân chơi cho các nghệ sĩ NTTT là của hiếm bởi ít suất diễn trên sân khấu lớn và cũng không mấy khi được lên truyền hình, trừ một vài dịp lễ, Tết ít ỏi.
Nghệ sĩ Vũ Mạnh Linh cho hay: “Nhà hát Tuồng chủ yếu đi diễn hợp đồng tại các địa phương với mức tiền từ 16 - 20 triệu đồng tùy theo vở. Mỗi năm có khoảng 20 đêm diễn miễn phí phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, các chiến sĩ bộ đội... để làm công tác chính trị. Những lần đi diễn như thế, các nghệ sĩ được bồi dưỡng 50.000 đồng/đêm diễn. Còn bình quân mỗi tháng có gần 20 buổi diễn và mức bồi dưỡng cao nhất cho vai chính là 200.000 đồng/đêm diễn”.
Thu nhập của nghệ sĩ NTTT so với sức lao động mà họ bỏ ra mất tương xứng đến xót xa. Vậy nhưng các nghệ sĩ vẫn gắng bám nghề và rằng, thôi thì mình sân siu với số lương Nhà nước trả; Ai có khả năng nào thì phát huy để tăng thêm thu nhập, “lấy ngắn nuôi dài”.
Ngã rẽ giữ lửa nghề
Ít có đêm diễn trên sân khấu lớn, vì cơm áo gạo tiền, các nghệ sĩ đành rẽ sang những buổi diễn mừng tân gia, mừng thọ, đám cưới... Hãy khoan nói đến cát-sê trong những buổi “đánh pắc” này, mà trong khi các nghệ sĩ đang rút ruột rút gan để hát, thì bên dưới là cảnh người ăn kẻ uống, cười nói đủ thứ chuyện... khiến các nghệ sĩ tủi đến phát khóc. Tôi từng chứng kiến một nghệ sĩ trẻ gặp cảnh đó đã phải ngừng diễn, chạy vào trong khóc vì cảm thấy bị xúc phạm.
Và mức cát-sê mà những đơn vị, cá nhân tổ chức sự kiện trả cho các nghệ sĩ NTTT lại là một câu chuyện buồn khác. Cùng một sự kiện, các đơn vị, cá nhân sẵn sàng sàng bỏ ra từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng để mời những nghệ sĩ nhạc trẻ nhưng mức cát-sê trả cho các nghệ sĩ NTTT... chỉ từ 1 đến 2 triệu, họa hoằn là 5 triệu đồng cho một buổi biểu diễn có thời lượng từ 1,5 - 3 tiếng. Ở phía Nam, các nghệ sĩ cải lương sống được với nghề nhưng cũng chỉ là các show diễn nhỏ chứ không phải là những vở diễn chính thống trên sân khấu lớn.
Trong trùng trùng khó khăn ấy, điều đáng mừng là NTTT không bị mai một, xuống cấp. Các thế hệ nghệ sĩ bằng tài năng và tình yêu nghề, họ vẫn âm thầm giữ và phát triển NTTT bằng chính nội lực của mình. Họ vẫn đều đặn cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng.
Nghệ sĩ ưu tú Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam phân tích: “Điều cốt yếu là nghệ sĩ phải hiểu rằng khó khăn là quy luật, bởi vậy không được buông xuôi, mà thay đổi, cách tân, dàn dựng tiết mục sáng tạo. Mỗi đêm diễn phải như một lễ hội để quyến rũ khán giả, giữ chân người xem, để khán giả trở lại với mình ngày càng đông, tạo đà cho NTTT trở lại thời hoàng kim. Nếu để khán giả bỏ về thì đồng nghĩa với việc lần sau họ sẽ không quay trở lại”.
Theo nghệ sĩ ưu tú Trung Kiên, hằng năm, Nhà hát cải lương Việt Nam vẫn có khoảng gần 200 đêm diễn hợp đồng mỗi năm. Mỗi hợp đồng biểu diễn tại các địa phương đa phần chỉ khoảng 20 triệu đồng. Với số tiền ấy, sau khi Nhà hát trang trải mọi thứ, mỗi nghệ sĩ chính có thể hưởng 300.000 đồng/đêm diễn. “Trong khó khăn chung, dù chưa thể lo được trọn vẹn cuộc sống cho các nghệ sĩ nhưng các nhà hát có thể tạo điều kiện, thu xếp công việc phù hợp để các nghệ sĩ vừa làm nghệ thuật, có thời gian lo cho cuộc sống riêng của họ bằng nhiều cách. Điều quan trọng gây dựng chuyên môn cho diễn viên để họ có bản lĩnh nghệ thuật, tạo dựng uy tín, từ đó họ có được nhiều hơn những lời mời diễn”, nghệ sĩ Trung Kiên chia sẻ.
Nghệ sĩ Vũ Mạnh Linh bộc bạch: “Các nghệ sĩ vì yêu nghề nên sẵn sàng đối diện và vượt qua khó khăn bằng cách tham gia nhiều chương trình lớn nhỏ khác để tăng thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống. Để rồi khi trở lại với nghề chính, họ lại dốc lòng, dốc sức, say nghề, dấn thân vào các tác phẩm nghệ thuật. Cá nhân tôi, ngoài lúc đi diễn Tuồng, còn làm MC kiêm ca sĩ hát dòng nhạc truyền thống để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Nghệ sĩ Nguyễn Diệu Hằng - Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định cho rằng, với sự phát triển rất mạnh của khoa học công nghệ hiện nay, các nghệ sĩ NTTT có thể nhanh nhạy tiếp cận với các kỹ thuật công nghệ hiện đại để quảng bá hình ảnh của mình, giao lưu với khán giả, từ đó tìm kiếm cơ hội biểu diễn.
Chị chia sẻ: “Các nhà hát hiện nay cũng đã đầu tư vào kỹ thuật công nghệ để tiếp cận khán giả như một số chương trình phục vụ sự kiện, lễ hội... Bên cạnh đó, cần chú ý tới công tác truyền thông bởi đây là cầu nối đưa NTTT và các nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả”./.
Đạo diễn phim ’Lô tô’ làm phim về thời hoàng kim của cải lương
Những cặp bạn diễn vàng trên sân khấu cải lương