Lần đầu tiên, hơn 50 bức ảnh về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã được Hãng Thông tấn AP giới thiệu trong triển lãm “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến”. Triển lãm đang diễn ra tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, thu hút đông đảo khách tham quan bởi những hình ảnh chân thực về sự tàn khốc của chiến tranh, được ghi lại dưới góc nhìn đa chiều của những phóng viên của hãng AP. 

Ấn tượng và ám ảnh, tự hào xen lẫn bi thương là những cảm xúc của nhiều người khi xem những bức ảnh trưng bày tại triển lãm “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến”. Hơn 50 bức ảnh, mỗi bức là một góc nhìn về những khoảnh khắc, những thảm kịch đối với đất nước và người dân Việt Nam một cách chân thực và ấn tượng. 

Từ hình ảnh những cuộc biểu tình ở California, chân dung Tổng thống Mỹ Johnson trước cuộc họp công bố quyết định giảm ném bom miền Bắc Việt Nam, chân dung một lính Mỹ với dòng chữ “War is hell” (Chiến tranh là địa ngục) viết trên vành mũ sắt đến hình ảnh một bà cụ mang theo hai đứa trẻ vội vã tìm nơi tránh bom đạn, một người cha ôm xác đứa con bé bỏng đứng thẫn thờ nhìn theo chiếc xe chở lính... 

nick_ut_3__xebb.jpg
1 trong số 50 bức ảnh về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã được Hãng Thông tấn AP giới thiệu trong triển lãm “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến”. 
Anh Cao Xuân Nhật, ở Cầu Giấy, Hà Nội cảm nhận: "Qua triển lãm tôi cảm nhận được sự tàn khốc, phi nghĩa của chiến tranh. Quá khứ đau thương ấy nhắc chúng tôi sống sao cho thật xứng đáng với những mất mát, đau khổ mà những người đi trước đã phải trả giá để chúng tôi có cuộc sống hòa bình này. Khi AP công bố những bức ảnh này, tôi rất trân trọng những hành xử ấy và tôi mong đây là cách để đưa quan hệ 2 nước tiến gần hơn đến những điều tốt đẹp để chúng ta khép lại quá khứ, chúng ta hướng đến tương lai hợp tác".

Tham quan triển lãm, đạo diễn Đặng Nhật Minh, người đã thành công với nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng bày tỏ: "Dưới ống kính của các phóng viên AP, chiến tranh tại Việt Nam hiện lên gần như đầy đủ hình hài, man rợ và khốc liệt. Những bức ảnh này là một lời nhắc nhở để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do".

Hơn 50 bức ảnh, mỗi bức là một góc nhìn về những khoảnh khắc, những thảm kịch đối với đất nước và người dân Việt Nam một cách chân thực và ấn tượng. Trong ảnh, Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém
"
Phải cám ơn các nhà nhiếp ảnh Mỹ vì nếu không, cuộc chiến giải phóng dân tộc của chúng ta chỉ được nhìn về một phía. Họ ghi được rất nhiều hình ảnh chân thực về nỗi đau khổ, khốc liệt của chiến tranh, về cái sự phản chiến, tâm trạng của người lính Mỹ họ tham gia cuộc chiến nhưng họ không phải hoàn toàn vui vẻ, ủng hộ cho cuộc chiến này. Họ bắt buộc phải cầm súng thôi. Thứ hai là họ phải dũng cảm, phải xông xáo ra nơi ác liệt thì mới có được bức ảnh như thế này. Tôi muốn triển lãm này phải được tổ chức di động khắp toàn quốc đến các trường học để thế hệ trẻ được xem, được nhìn thấy" - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Trong số 50 tác phẩm trưng bày, có những tác phẩm từng giành giải thưởng Pulitzer (một giải thưởng danh giá của Mỹ) và cũng là những hình ảnh thế giới nhớ nhất về cuộc chiến tại Việt Nam như: bức ảnh của phóng viên Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn vào đầu cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968; hay bức ảnh “Em bé Napalm” Kim Phúc năm 1972 của phóng viên Nick Út; tấm hình của Malcolm Browne chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963... Đây cũng là những bức ảnh gây ấn tượng mạnh cho người xem bởi sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt Nam đã phải trải qua trong cuộc chiến. 

Nhà báo Nick Út giới thiệu với khách thăm quan về bức ảnh "Em bé Napalm".
Chia sẻ về bức ảnh “Em bé Napalm” của mình, nhà báo Nick Út cho biết: "Khi tôi chụp được bức hình này, tôi nhận được rất nhiều ý kiến, sự ủng hộ của nhân dân thế giới.  Khi bức hình này được đưa lên báo thì cả thế giới lên tiếng chống Mỹ. Bức hình có ý nghĩa rất quan trọng vì người Mỹ nhìn cái hình này thấy được thất bại của mình tại chiến  trường Việt Nam".

Hơn 40 năm trước, hãng Thông tấn AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới văn phòng Sài Gòn để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã tạo ra một trong những di sản ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20, kể lại câu chuyện về con người phía sau cuộc chiến. 

Cách đây hai năm, Hãng đã xuất bản sách ảnh "Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến tranh". Lần này, AP chọn một số ảnh từ cuốn sách này để trưng bày nhằm giới thiệu tới công chúng những góc nhìn cận cảnh, chân thực và toàn diện nhất về cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ tiến hành ở Việt Nam. 

Ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng thông tấn AP cho biết: "Chúng tôi tổ chức triển lãm này để chia sẻ những bức ảnh ảnh lịch sử về chiến tranh ở Việt Nam với người dân Việt Nam. Trong số các phóng viên của chúng tôi có rất nhiều phóng viên đã hy sinh trong chiến tranh. Mặc dù đây là công việc rất nguy hiểm nhưng cũng rất là quan trọng, chúng tôi luôn luôn cố gắng làm sao phản ánh chiến tranh một cách chính xác nhất, chân thực nhất. 

Có một thời gian mà AP đã đưa ra những bức hình gây tranh cãi, bị phản ảnh bởi vì chiến tranh sao mà tàn khốc thế. Chúng tôi chỉ muốn đưa tin chân thực nhất, chính xác nhất, phản ánh đúng nhất về chiến tranh mà thôi".

Trước khi triển lãm tại Việt Nam, những bức ảnh trong cuốn sách ảnh "Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến tranh" cũng đã được trưng bày tại Phòng tranh Steven Kasher ở New York, Mỹ và trụ sở chính của báo Guardian ở London, Anh. Kết thúc triển lãm, những bức ảnh tư liệu quý giá này sẽ được Hãng Thông tấn AP tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, để giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước./.