Để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hãng Thông tấn AP cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới VP ở Sài Gòn, những phóng viên ảnh này đã tạo ra di sản ảnh đồ sộ.

40 năm sau, bộ sưu tập hơn 58 bức ảnh của AP được chụp trong thời gian chiến tranh sẽ được triển lãm tại Việt Nam để kể lại những khía cạnh con người phía sau cuộc chiến, về những mất mát, đau thương mà người dân Việt Nam đã phải gồng mình chịu đựng trong suốt chặng đường dài. Những bức ảnh này đã được in trong cuốn sách ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến”.

4_dtyh.jpg
Bị bỏng nặng trong cuộc tấn công bằng bom Napalm, trẻ em chạy gào thét kêu cứu dọc đường 1 gần Trảng Bàng, phía sau là lính của Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa ngày 8/6/1972. Cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, (ở giữa), mình trần, kêu khóc thảm thiết. Những trẻ em khác (từ trái) là anh Phan Thanh Tâm, người bị mất một mắt và Phan Thanh Phước; và anh em họ Hồ Văn Bốn và Hồ Thị Ting. Bức ảnh này của Nick Ut đã giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1973.

Nick Ut - tác giả của bức ảnh Cô bé Napalm Kim Phúc, trả lời báo chí tại triển lãm.

Đó là hình ảnh một nhà sư tự thiêu để phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa của tác giả Malcolm Browne; là hình ảnh máy bay trực thăng Mỹ bay phía trên bắn súng máy vào các hàng cây yểm trợ cho lính bộ binh Nam Việt Nam khi họ tấn công quân giải phóng miền Nam Việt Nam cách Tây Ninh 28 km về phía Bắc, gần biên giới Campuchia tháng 3/1965 của Horst Faas...

Ngày 11/6/1963, tại Sài Gòn, nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: Malcolm Browne 

Bức ảnh của Nick Út có lẽ là một trong những hình tượng ám ảnh nhất về chiến tranh Việt Nam, tác giả Nick Út đã được trao giải Pulitzer và bức ảnh được chọn là Ảnh Báo chí Thế giới năm 1972. Tạp chí New Statesman của Anh năm 2010 bình chọn đây là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.

Xe tăng chở bộ đội của Chính phủ Cách mạng Lâm thời tiến qua cổng dinh Tổng thống ở Sài Gòn sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng. Ảnh: Frances Starner 

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày các bức ảnh nổi tiếng khác của những phóng viên ảnh kỳ cựu của AP.

Phát biểu tại triển lãm, ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng AP cho biết, để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam lúc bấy giờ, AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới Sài Gòn, những phóng viên ảnh này đã tạo ra một trong những di sản ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. AP đã đoạt 6 giải Pulitzer cho việc đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, 4 giải trong số đó cho thể loại ảnh bao gồm cả giải của phóng viên ảnh Nick Út năm 1973.

Ông Gary Pruitt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc  AP phát biểu tại triển lãm

Cũng theo ông Gary Pruitt, trong suốt lịch sử gần 170 năm, AP luôn giữ một sứ mạng thông tin cho thế giới. Các phóng viên của hãng nỗ lực hàng ngày để đưa tin về các sự kiện diễn ra trên thế giới với sự chính xác và trung thực. Hoạt động đưa tin của AP trong những năm chiến tranh đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sự thật của cuộc chiến tới nhân dân Mỹ.

Phát biểu tại buổi triển lãm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - Bùi Thanh Sơn đánh giá cao về hoạt động của AP. “AP tổ chức Triển lãm những bức ảnh tiêu biểu trong cuốn sách ảnh chiến tranh tại Việt Nam, một bộ sưu tập ảnh của những phóng viên ảnh xuất sắc nhất của AP, ghi lại những khoảnh khắc, những thảm kịch đối với đất nước và người dân Việt Nam một cách chân thực và ấn tượng nhất. Những bức ảnh này như một lời nhắc nhớ chúng ta về sự tàn khốc của chiến tranh để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do.

Ông Bùi Thanh Sơn mong muốn Hãng Thông tấn AP, Văn phòng thường trú Hãng AP tại Việt Nam tiếp tục cung cấp thông tin, hình ảnh cho dư luận quốc tế về công cuộc xây dựng và phát triển của Việt Nam ngày nay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - Bùi Thanh Sơn p
hát biểu

Triển lãm này diễn ra từ ngày 12 đến 26/6, tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Triển lãm mở cửa miễn phí cho người xem. Được biết, trước đó, các cuộc triển lãm ảnh tương tự với những bức ảnh được lấy từ cuốn sách ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến” đã tổ chức tại Phòng tranh Steven Kasher ở New York và trụ sở chính của báo Guardian ở London.

Nhiều người đến tham quan triển lãm

Khi kết thúc triển lãm, những bức ảnh tư liệu quý giá này sẽ được tặng lại cho Bảo tàng lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam./.