Thực hiện kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát tăng dân số, tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản khu vực thành thị và nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án 818). 

Điều này không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng các phương tiện tránh thai. Thế nhưng, tại các huyện miền núi Quảng Nam, việc thực hiện lại gặp không ít khó khăn. 

can_bo_dan_so_vov_seco.jpg

Cán bộ dân số đến tận nhà tuyên truyền với bà con nhân dân vùng cao.

Vợ chồng chị Hôih Thị Mông, 27 tuổi, ở xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã có 2 con. Hiện nay, chị đang thực hiện biện pháp tránh thai bằng cách uống thuốc hàng ngày. Sau những buổi tuyên truyền, vận động của cán bộ dân số, chị Hôih Thị Mông nhận thức được, sinh nhiều con khiến cuộc sống gia đình khó khăn và ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình: "Đời sống của bà con Cơ Tu giờ vẫn còn nhiều khó khăn, nên việc tự bỏ tiền mua thuốc tránh thai khó thực hiện được. Chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục hỗ trợ miễn phí cho bà con".

Hàng tháng, cán bộ dân số, y tế xã A Ting, huyện Đông Giang lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm, vận động người dân tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai. Các cán bộ dân số, y tế tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tư vấn tại hộ gia đình, tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm tại cộng đồng và sinh hoạt tại nhà Gươil. Mục đích nhằm thay đổi thói quen, hành vi và chấp nhận chi trả khi sử dụng các phương tiện tránh thai. 

Bà Briu Thị Ngư, cán bộ dân số xã A Ting cho biết, trước đây, người dân đã quen với việc sử dụng miễn phí các biện pháp tránh thai nên việc thực hiện xã hội hóa bước đầu gặp nhiều khó khăn. Nhiều chị em chưa quen mua thuốc tránh thai để sử dụng mà vẫn trông chờ vào nhà nước cung cấp miễn phí. Bà Briu Thị Ngư cho biết, những người không thuộc đối tượng được cấp thuốc tránh thai miễn phí như trước phải tự đi mua. 

Tuy nhiên, địa điểm mua thuốc xa nhà cả chục cây số, có khi không mua được thuốc. Vì thế chị em sẽ không dùng các phương tiện tránh thai nữa, điều này làm cho công tác quản lý dân số tại xã khó khăn: "Đời sống của người Cơ Tu còn gặp nhiều khó khăn, chênh lệch giàu, nghèo không bao nhiêu. Ở cùng một xã nhưng khi dân đến mua thuốc tại Trạm y tế xã cũng rất xa, đây cũng là một vấn đề khó khăn với họ. Có thể họ đi mua thuốc ở ngoài thì chúng tôi cũng không biết được, thành ra không về một mối để chúng tôi có thể quản lý những con người đang sử dụng dịch vụ đó".

6 tháng đầu năm nay tỷ lệ sinh con thứ 3 tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, có gần 2.900 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Số người cấy tránh thai chỉ đạt 5%, sử dụng bao cao su đạt 36%... kế hoạch của tỉnh đề ra.

 

Trạm Y tế xã A Ting là nơi cung cấp phát thuốc tránh thai miễn phí cho các hộ dân để kế hoạch hóa gia đình.

Bác sĩ Lê Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai các biện pháp tránh thai bằng hình thức xã hội hóa, tức là vận động người dân tự trả tiền rất khó. Vì vậy, hàng năm Trung tâm y tế xin thêm kinh phí của huyện từ 30 đến 50 triệu đồng để triển khai chiến dịch “Sức khỏe sinh sản”, tuyên truyền đến người dân, trong đó ưu tiên những đối tượng không nằm trong hộ nghèo.

"Điều này là quy định chung cho cả nước, nên chúng tôi chỉ kiến nghị lên huyện, Sở Y tế tỉnh để có những biện pháp thiết thực hơn cho người dân. Trong khi chờ cấp trên thì tại huyện chúng tôi đã kiến nghị với huyện hàng năm hỗ trợ nguồn kinh phí mua những dịch vụ biện pháp tránh thai để cấp cho những đối tượng họ không thuộc diện hộ nghèo", BS Tuyết nói.

Không riêng gì huyện Đông Giang, tại các huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam cũng gặp khó khăn khi triển khai Đề án 818. Trở ngại lớn nhất đối với các huyện vùng cao chính là thiếu các điểm kinh doanh phương tiện tránh thai, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa… 

Ông Phan Đình Nhân, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban quản lý Đề án nên lập kênh phân phối khác theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh: "Các huyện vùng cao hiện nay đang cần thuốc tiêm miễn phí, nhưng đối tượng được miễn phí lại ít. Ngoài ra không mua được. Hiện nay, mình đang vướng kiến nghị của 4 huyện, họ kiến nghị muốn tìm mua thuốc tiêm ở đâu, hoặc chỉ những công ty nào hợp pháp cho Chi cục Dân số đứng ra làm đầu mối để các huyện mua mà cũng không có"./.