Ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, từ ngày 15/5 - 30/5 lực lượng chức năng tiến hành phá tường và vận chuyển phế thải ra bên ngoài; từ 16/5 - 28/5 sẽ tháo kính mặt tiền và lắp giáo văng; từ ngày 20/5 - 23/5 cắt một vài ô sàn để cẩu phế thải xuống mặt đất.

“Sau khi phá dỡ xong phần tường và kính (dự kiến đầu tháng 6) sẽ cắt các ô sàn tiếp theo kế hoạch”, ông Chiến cho hay.

Trước đó, vi phạm trật tự xây dựng tại dự án đầu tư xây dựng công trình tại 8B Lê Trực đã được Thủ tướng Chính phủ và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiên quyết xử lý dứt điểm.

8b_le_truc.jpg
Lực lượng chức năng bảo vệ khu vực tháo dỡ 8B Lê Trực.

"Ngày 23/4 UBND quận đã phê duyệt phương án, giải pháp tháo dỡ tại QĐ 930/QĐ-UBND. Chủ đầu tư nên có thái độ hợp tác với chính quyền để đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, phá dỡ. Có như vậy, dự án mới nhanh chóng hoàn thiện, nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng, bảo đảm quyền lợi cho những người mua nhà", ông Tạ Nam Chiến cho hay.

UBND quận Ba Đình cũng đã có văn bản xin ý kiến Sở Xây dựng Hà Nội về biện pháp, dự toán kinh phí phá dỡ do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam lập.

Tòa nhà 8B Lê Trực.

Theo đại diện UBND quận Ba Đình, cho đến nay các thủ tục để cưỡng chế phá dỡ giai đoạn II công trình sai phạm tại số 8B phố Lê Trực đã hoàn tất.

UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cũng ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế phá dỡ giai đoạn II công trình sai phạm tại số 8B phố Lê Trực gồm phá dỡ tầng 17 và 18 sai phạm diện tích sàn xây dựng và chiều cao công trình, đồng thời ban hành quyết định thành lập các tổ công tác phục vụ cưỡng chế.

UBND quận Ba Đình kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép chỉ định thầu đơn vị phá dỡ là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam; giao Công an thành phố phối hợp, hỗ trợ công tác cưỡng chế; giao các sở: Xây dựng, Tài chính phối hợp, hướng dẫn quận Ba Đình trong quá trình cưỡng chế, thanh toán kinh phí cho đơn vị phá dỡ./.