Libya đang lên kế hoạch đóng cửa 3 trung tâm tị nạn ở phía Tây nước này sau vụ chìm tàu chết người trên biển Địa Trung Hải xảy ra vào cuối tháng 7 vừa qua.

trai_ti_nan_uqeb.jpg
Bên trong một trung tâm tị nạn của Libya bị tấn công đầu tháng 7/2019. Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo giới, ông Saleh Feheima, thành viên Ủy ban Người di Cư và Di tán của Quốc hội Libya được phương tây hậu thuẫn nhấn mạnh: “Chúng tôi đang sống trong một xã hội chia rẽ về mặt chính trị. Chúng tôi có 2 chính phủ, một ở phía Đông và một ở phía Tây. Phía Nam Libya hiện không có sự quản lý chặt chẽ. Nhiều người có thể tự do đi lại do chiến tranh. Vấn đề người di cư giờ đã trở thành vấn đề lớn, vượt tầm kiểm soát của cả 2 Chính phủ ở Libi. Cần có quy định pháp lý để quản lý vấn đề này nhưng bởi Libi không có một Chính phủ đoàn kết dân tộc, chúng tôi không thể ngăn chặn dòng người di cư đến các khu vực bờ biển của chúng tôi.”

Theo đó, Libya sẽ tiến hành trục xuất người di cư tại 3 trung tâm trên ngay khi các trung tâm bị đóng cửa. Với chiến sự leo thang tại Tripoli, cộng thêm nền kinh tế ốm yếu từ năm 2011 đến nay, Chính phủ Libi hiện đã không còn đủ khả năng tài chính để duy trì các trung tâm tị nạn này.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc đã nhiều lần kêu gọi những người còn sống sót không nên trở về Libya, nơi những người di cư được cứu thường bị bỏ tù trong các điều kiện khổ cực.

Libya được xem là một “điểm nóng” về người di cư, nhiều người trong số đó tìm cách đến châu Âu bằng thuyền không đảm bảo an toàn trên biển. Ngày 25/7 vừa qua, ghi nhận vụ đắm tàu chết chóc nhất liên quan đến dòng người di cư quá cảnh Libi sang châu Âu năm nay. Một chiếc thuyền chở người di cư từ các quốc gia Bắc Phi đã bị lật sau khi khởi hành từ bờ biển Libya tới châu Âu khiến khoảng 150 người di cư từ Eritrea, Sudan, Ai Cập, Libya có thể đã chết hoặc mất tích./.