Việc cải tổ nội các lần này bao gồm thay thế 11 vị trí Bộ trưởng, trong đó có những Bộ quan trọng như Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình leo thang trong suốt hơn một tuần qua tại thủ đô Tunis.

Đặc biệt vào ngày 26/1, nước này đã chứng kiến cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất kể từ đầu tháng khi hàng trăm người đã xuống đường tuần hành và phản đối bên ngoài trụ sở quốc hội. Lực lượng cảnh sát đã phải dựng hàng rào để ngăn chặn người biểu tình tiếp cận tòa nhà quốc hội, đồng thời sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông.

Thủ tướng Hisham El-Mechichi tuyên bố việc biểu tình của tầng lớp thanh niên là hợp pháp và chính phủ sẽ lắng nghe nguyện vọng của họ.

Tuy nhiên việc cải tổ nội các lần này được cho sẽ làm gia tăng rạn nứt chính trị giữa Tổng thống và Thủ tướng Tunisia. Thủ tướng Hisham El-Mechichi ủng hộ việc cải tổ nội các, trong đó loại bỏ một số Bộ trưởng thân cận với Tổng thống. Trong khi Tổng thống Qais Saeed phản đối việc cải tổ nội các, cho rằng hoạt động này vi hiến và thiếu vắng sự tham gia của nữ giới trong số các Bộ trưởng mới.

Bế tắc chính trị tại Tunisia xuất hiện kể từ cuộc bầu cử vào năm 2019 đã cản trở nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng ở nước này. Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Tunisia đã suy giảm hơn 8%, thâm hụt tài khóa lên tới hơn 12% GDP, khiến nợ công vượt ngưỡng 90% GDP./.