Trong bối cảnh virus corona mới (nCoV) đang bùng phát thì trong thời gian qua, thông tin sai sự thực, tin giả về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus này gây ra cũng xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội và làm gia tăng tâm lý sợ hãi trong người dân Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Trong nỗ lực nhằm cải chính những thông tin này, các hãng truyền thông tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đăng tải những thông tin đáng tin cậy, dập tắt những đồn đoán và những thông tin gây hoang mang, để cung cấp cho dư luận một bức tranh thực tế về dịch bệnh và giúp giải tỏa tâm lý lo lắng trong cộng đồng.

tin_gia_comr.jpg
Những thông tin không đúng sự thật được lan truyền với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ lây lan dịch bệnh do chủng nCoV gây ra. Ảnh minh họa: KT

Theo tờ Thời báo New York, ít nhất 16 người đã bị bắt vì các bài viết đăng tải và truyền bá những thông tin và giả mạo về virus corona mới tại ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Hong Kong (Trung Quốc). Nổi bật những thông tin giả mạo được lan truyền chóng mặt là một nhân vật có ảnh hưởng người Trung Quốc ăn một bát súp chế biến từ dơi qua đó lan truyền thông tin rằng dịch bệnh xuất phát từ món ăn "hoang dã" của người bản địa.

Dù giới chuyên gia Trung Quốc trong nghiên cứu gần đây cho rằng loài dơi có khả năng là một nguồn phát tán virus corona nhưng món súp dơi thực sự không phải là món phổ biến tại quốc gia này và giới chức Trung Quốc hiện vẫn đang điều tra về nguồn gốc dịch bệnh.

Ngoài ra, một số thông tin hoàn toàn vô căn cứ rằng virus corona "có thể có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, liên quan tới một chương trình phát triển vũ khí sinh học bí mật của Trung Quốc",  hay số người chết vì nCoV thực tế lên đến hơn 100.000 người, hay người dùng mạng xã hội tại Malaysia cho rằng virus này khiến người bệnh trở thành “xác sống” được lan truyền với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ lây lan dịch bệnh do chủng nCoV gây ra. Tuy nhiên, những thông tin kiểu này đã bị cơ quan chuyên kiểm duyệt thông số Lead Stories, hợp tác với mạng xã hội Facebook khẳng định là "tin giả mạo". Trên thực tế, giới chức y tế Trung Quốc cập nhận thông tin dịch bệnh hàng ngày.

Trước nạn tin giả hoành hành, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các biện pháp mà tổ chức này thực hiện để ngăn chặn nạn tin giả.

“Chúng tôi đã làm việc với Google để đảm bảo mọi người tìm kiếm thông tin về virus corona sẽ thấy thông tin của Tổ chức y tế thế giới ở đầu kết quả tìm kiếm. Ngoài ra, các nền tảng xã hội khác như Twitter, Facebook, Tencent và TikTok, cũng đã thực hiện các bước đi để hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch”, ông Ghebreyesus nói.

Hiện trang mạng xã hội Facebook đang tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn những thông tin giả hoặc bóp méo sự thật về dịch bệnh do chủng mới của virus corona đang lan truyền trên nền tảng này cũng như ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram.

Trong thông báo mới đây, Facebook cho biết họ sẽ hạn chế những thông tin sai sự thật về virus corona trên Facebook và Instagram, đồng thời cung cấp cho người dùng thông tin chính xác về chủng virus nguy hiểm này từ các cơ quan y tế quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới và các bên thứ ba kiểm chứng thông tin trên toàn cầu.  

Facebook nêu rõ hãng sẽ bắt đầu xóa các bài đăng trong đó đưa ra các thông tin sai lệch hoặc những giả thuyết bị các tổ chức y tế toàn cầu cho là có thể gây hại cho những người tin vào. Cũng theo Facebook, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang phối hợp với các tổ chức y tế và các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) để cung cấp cho người dùng thông tin chính xác về tình hình hiện tại, bao gồm cả các hướng dẫn từ Tổ chức Y tế Thế giới./.