Ngày 8/4, Trung Quốc lại có thêm 4 ca nhiễm cúm H7N9 mới và thêm 1 ca tử vong về bệnh dịch này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có tất cả 24 người nhiễm cúm H7N9, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Trước tình hình cúm H7N9 tiếp tục lan rộng, các nhà chức trách Trung Quốc đang tiếp tục các biện pháp ngăn chặn virút cúm lây lan .

an-huy1.jpg
Trường hợp nhiễm cúm H7N9 tại Tỉnh An Huy (Ảnh AFP)

Trong cuộc họp báo tối qua, Uỷ ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết, trong số 4 ca nhiễm mới được phát hiện, có 1 trường hợp tại An Huy, Thượng Hải (1 trường hợp) và Giang Tô (2 trường hợp). Hiện tất cả những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đều được theo dõi chặt chẽ nhưng chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm nào từ người sang người.

Tại cuộc họp báo, đại diện các địa phương thông báo đã tăng cường các biện pháp phòng chống virus cúm H7N9. Chính quyền thủ đô Bắc Kinh, nơi chưa có trường hợp nhiễm virút H7N9 nào cũng đã cấm buôn bán gia cầm sống bên ngoài chợ và giết mổ gia cầm không có giấy phép.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông lập nguồn quỹ với số tiền ban đầu 30 triệu nhân dân tệ (tương đương 4 triệu 760.000 USD) để phòng chống cúm H7N9 cũng như hỗ trợ các bệnh nhân nghèo bị nhiễm virus.

Chính quyền Tỉnh Chiết Giang, thành phố Thượng Hải, Nam Kinh đã tăng cường các nỗ lực trong cuộc chiến của virus cúm gia cầm H7N9 như tiêm chủng cho gà, khử trùng các trang trại nuôi gà mỗi ngày một lần,  khử trùng trên các xe buýt, đóng cửa các chợ gia cầm sống và lò giết mổ gia cầm….

Chính quyền Hồng Kông, Trung Quốc cũng cho biết sẽ thắt chặt kiểm tra gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục. Theo thông báo, kể từ ngày 11/4, các quan chức tại cửa khẩu sẽ lấy mẫu từ một số gia cầm sống để tiến hành xét nghiệm virus mà cho kết quả trong vài giờ. Ngoài ra, Hồng Kông cũng áp dụng hệ thống phản ứng dự phòng cúm gia cầm 3 lớp.

Thư ký Cơ quan Thực phẩm và Y tế Hồng Kông Cao Thủy Văn nói: “Khi chúng tôi phát hiện gia cầm nhiễm virus H7N9 hay có trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người thì chúng tôi sẽ tăng mức cảnh báo lên mức cao nhất. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ tiến hành thiêu hủy một phần hay tất cả các gia cầm sống ở Hồng Kông cũng như đình chỉ việc nhập khẩu gia cầm”.

Ngoài ra, Chính quyền Trung Quốc đã phát thuốc thử phản ứng virus cúm H7N9 cho 409 trung tâm kiểm soát gia cầm trên cả nước.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, mặc dù chưa xác định được phương thức lây truyền của các virus này nhưng việc nấu chín kỹ thức ăn là phương pháp phòng chống dịch cúm gia cầm một cách hiệu quả nhất.

Ông Vu Khang Chấn, chuyên gia thú y hàng đầu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói: “Tôi nghĩ rằng an toàn nhất là mua các loại thịt gia cầm từ các kênh phân phối được quy định sau khi đã trải qua quá trình kiểm dịch nghiêm ngặt. Các loại thực phẩm này sẽ an toàn khi được nấu chín. Theo tôi, khi qua sự kiểm định từ các cơ chế kiểm dịch về các sản phẩm động vật của chúng ta thì các sản phẩm gia cầm sẽ an toàn để tiêu thụ”.

Ngoài ra, ông Vu Khang Chấn cũng cho rằng, tất cả các trang trại nuôi gà nên được vận hành một cách khép kín, với các biện pháp cách ly khác nhau để gà nuôi không kỳ tiếp xúc với gia cầm hoang dã và các loài chim. Theo ông, có thể chim di cư đã mang virus cúm H7N9 đến Trung Quốc vì virus H7N9 hầu hết được tìm thấy trên các con gia cầm sống bán ngoài chợ mà không phát hiện tại các trang trại nuôi gia cầm./.