Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan các dịch bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết và Zika, nhà chức trách tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc mới đây đã thử nghiệm thả 3 triệu con muỗi đã nhiễm khuẩn vào tự nhiên. Dự án từ khi đi vào triển khai đã góp phần giảm thiểu đáng kể số loài muỗi trong tự nhiên.

ap_muoi_gkky.jpg
Ấp muỗi ở cơ sở nghiên cứu y tế chung giữa Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Reuters.

Theo giáo sư Trí Dũng Khê thuộc Trung tâm ngăn ngừa kiểm soát các dịch bệnh nhiệt đới Quảng Châu, người chủ trì dự án bơm vi khuẩn Wolbachia vào trong trứng muỗi, mỗi ngày, các nhà nghiên cứu tại trung tâm sẽ tiến hành bơm vi khuẩn Wolbachia vào các trứng muỗi được sinh ra từ các con muỗi đực và muỗi cái cũng đã được bơm vi khuẩn Wolbachia. Số trứng này sẽ tiếp tục được ấp cho đến khi nở thành con.

Tuy nhiên, có rất ít trứng muỗi có khả năng sản sinh thành con. Trong 500 trứng mới chỉ có một trứng có khả năng thành con. Từ đây, chúng sẽ được phân tách riêng. Do tập tính của loài muỗi là chỉ muỗi cái mới có thể đốt và truyền bệnh nên những con cái sinh ra sẽ bị tiêu diệt. Chỉ những con đực mới được thả vào môi trường để giao phối với muỗi cái ngoài tự nhiên nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Ông Khê cho biết: “Công nghệ của chúng tôi gồm 2 phần. Nếu muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia, chúng sẽ giao phối với muỗi trong tự nhiên. Và như vậy, muỗi cái được khử trùng và không thể sinh con. Muỗi cái khi mang theo vi khuẩnWolbachia sẽ có thể ức chế virus Zika, sốt xuất huyết và sốt vàng. Và như vậy, giảm được nguy cơ truyền bệnh của muỗi ”

Giáo sư Khê cũng cho biết kể từ năm ngoái, ông đã bắt đầu nghiên cứu về dự án này, và đã thả ba triệu con muỗi đực vào 2 khu vực dân cư ở tỉnh Quảng Châu.

Ông Khê nói: “Mục đích của dự án là nhằm giảm mật độ muỗi dưới ngưỡng mà chúng có thể lây truyền bệnh. Chúng tôi hy vọng có thể giảm được mật độ muỗi xuống mức mà trong tương lai chúng không thể gây bệnh cho con người được nữa.”

Một nhà nghiên cứu thả các con muỗi đực vào môi trường tại Quảng Châu. Ảnh: Reuters.

Dự án được tiến hành tại một hòn đảo ở ngoại ô tỉnh Quảng Châu. Theo đó, cứ hàng tuần có khoảng 1,5 triệu con muỗi lại được thả ra môi trường. Dự án triển khai đã góp phần giảm đáng kể mật độ muỗi tại khu vực, với mật độ muỗi giảm tới 90%.

Dự án đã nhận được phản hồi tích cực của người dân địa phương.

Ông Lương Kim Điền, 66 tuổi, một người dân địa phương cho biết, kể từ khi dự án tiến hành, ông đã có thể ngủ mà không cần màn: “Trước đây, quanh nhà chúng tôi ở có rất nhiều muỗi. Khi dự án tiến hành, đã có nhiều người lo rằng, nếu muỗi được thả ra môi trường, chúng tôi sẽ còn có nhiều muỗi hơn. Song giờ thì chúng tôi rất yên tâm.”

Theo Giáo sư Trí Dũng Khê, dự án của ông cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Brazil và Mexico, các quốc gia đang phải gồng mình đối phó với sự lây lan của virus Zika.

Virus Zika hiện đã xuất hiện tại hơn 50 quốc gia trên thế giới và bùng phát khắp khu vực Mỹ Latinh. Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa bào chế được vaccine phòng chống virus Zika hay thuốc đặc trị. Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đợt bùng phát virus Zika này, với khoảng 1,5 triệu bệnh nhân./.