Tuyên bố trên của ông Jens Stoltenberg được đưa ra ngày 20/6, chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ quan điểm cho rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nên được dỡ bỏ từ từ.

stontenberg_hjhv.jpg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo về "sự hiếu chiến" của Nga. Ảnh Reuters

“Theo quan điểm của tôi, EU không nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế trước khi Nga thay đổi hành vi của mình. Tôi tin rằng, đa số các nước châu Âu nhất trí về điều này”, ông Stoltenberg nói.

Trước đó, ông Steinmeier cho rằng, EU nên dỡ bỏ dần dần các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu như tiến trình hòa bình tại Ukraine được cải thiện rõ rệt và Nga cũng thể hiện thiện chí trong việc thúc đẩy thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk.

Ngoài ra, ông Steinmeier cũng tuyên bố, các cuộc tập trận của NATO tại Đông Âu có thể khiến căng thẳng giữa NATO và Nga trở nên ngày càng tồi tệ hơn và cảnh bảo về cái mà Ngoại trưởng Đức gọi là “tuốt kiếm đe dọa lẫn nhau”.

Đáp lại, ông Stoltenberg khẳng định, NATO luôn chủ động tìm cách tránh đối đầu với Nga nhưng sẽ hành động cứng rắn chống lại “hành vi hiếu chiến của Nga”.

“Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và chúng tôi muốn mọi thứ giữ nguyên như lúc này. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải phản ứng mạnh mẽ trước một nước Nga đã tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên gấp 3 lần so với năm 2000. Hành vi này đã vượt quá cả mức hiếu chiến và số tiền này được Nga sử dụng để thay đổi biên giới của châu Âu”, ông Stoltenberg cáo buộc.

Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, NATO dự định điều thêm lực lượng đến Ba Lan và 3 nước Baltic khác nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột chứ không phải để khiêu khích Nga: “Những gì chúng tôi làm là rất ôn hòa, đầy trách nhiệm và minh bạch”.

Theo đó, các lực lượng NATO đến 4 quốc gia nói trên- mỗi quốc gia sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 binh sĩ- là một phần trong kế hoạch được NATO thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Warsaw nhằm “răn đe hành vi hiếu chiến của Nga”.

Cùng chung quan điểm với ông Stoltenberg, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns, cho biết, quan điểm của ông Steinmeier là “không khôn ngoan và khó có thể biện hộ được”. Cựu Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer nhấn mạnh: “Tuyên bố của ông Steinmeiter làm suy yếu NATO và EU”.

Trong khi đó, Nga coi hoạt động điều quân này của NATO là hành động thù địch và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch nói trên của NATO. Tuần trước, Tổng thống Nga Putin cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu NATO tiếp tục duy trì “quan điểm một chiều của NATO đối với Nga”./.