Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ lập trường cứng rắn về thương mại với Canada - một trong những đồng minh thân cận nhất, Nhà Trắng tuyên bố ngày 31/8 rằng ông Trump sẽ không tới châu Á tham dự các hội nghị về kinh tế và an ninh với các đồng minh vào mùa thu này.
Nhà Trắng tuyên bố ngày 31/8 rằng Tổng thống Trump sẽ không tới châu Á tham dự các hội nghị về an ninh và kinh tế với các đồng minh của mình vào mùa thu này. Ảnh: The New York Times |
Tổng thống Trump sẽ không tham dự hội nghị của ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và phiên họp của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018 mà sẽ cử Phó Tổng thống Mike Pence dự thay, theo một tuyên bố của Sarah Huckabee Sanders - thư ký báo chí Nhà Trắng.
"Phó Tổng thống sẽ gặp gỡ với các đồng minh và các đối tác của chúng ta trong khu vực để tăng cường an ninh, thịnh vượng và tự do cho tất cả các bên", bà Sanders cho biết.
Quyết định không tham dự các hội nghị ở châu Á vào tháng 11/2018, mà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina cũng như thăm Pháp và Ireland trước đó của ông Trump đã cho thấy Tổng thống Mỹ đang tạo khoảng cách về mặt chính trị giữa Mỹ và các đồng minh châu Á chủ chốt của mình. Điều này khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Á lo ngại về khả năng của chính quyền Tổng thống Trump trong vai trò là một lực lượng đối trọng đáng tin và bền vững với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố rằng trong hàng thập kỷ qua, các quốc gia trên thế giới lợi dụng Mỹ về mặt kinh tế, đã nêu cao thông điệp "Nước Mỹ trên hết" trong chuyến thăm của ông tới châu Á năm 2017. Tổng thống Mỹ dường như thể hiện mong muốn mạnh mẽ trong việc tạo mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hơn là duy trì mối quan hệ truyền thống với các nhà lãnh đạo đồng minh của mình, chẳng hạn như với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Các nhà phân tích khu vực nhận định sự kiên quyết của ông Trump với lập trường kinh tế "Nước Mỹ trên hết" đối lập với tầm nhìn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2017. Vào thời điểm đó, sự khác biệt sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo đã thể hiện rõ khi họ công bố các chính sách trên trường quốc tế tại phiên họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi sẽ không để Mỹ bị lợi dụng nữa", đó là thông điệp mà ông Trump khẳng định. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nêu cao tinh thần ủng hộ toàn cầu hóa.
Kể từ cuộc gặp đó, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên và dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại cùng với việc ông Trump đăng tải một loạt các tweet vào tuần trước cáo buộc Trung Quốc đang phá hoại những nỗ lực ngoại giao của ông với Triều Tiên.
Sue Mi Terry, cựu chuyên gia phân tích tại CIA, một người chuyên nghiên cứu về Bán đảo Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã nhận định rằng sự vắng mặt của ông Trump trong năm nay tại châu Á được xem là minh chứng cho thấy Tổng thống đang "thiếu sự quan tâm" tới việc củng cố quan hệ với các đồng minh của Mỹ tại châu lục này.
Chuyên gia này cũng cho biết cách tiếp cận khó hiểu của ông Trump với Triều Tiên sẽ làm mất đi cơ hội củng cố mối quan hệ với các nhà lãnh đạo hiện đang xem Mỹ là một đồng minh hay thay đổi và không đáng tin.
"Hàn Quốc lo ngại rằng Tổng thống Trump quá cứng rắn với Triều Tiên. Nhật Bản thì lo ngại rằng ông quá mềm yếu. Cả hai mối lo ngại này đều khiến Tổng thống Mỹ trở thành một đồng minh không đáng tin. Việc tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á sẽ hữu ích cho các mối quan hệ này và củng cố một liên minh thống nhất chống lại Trung Quốc – đối thủ của Mỹ trong chiến tranh thương mại", bà Terry nhận định./.
Phó Tổng thống Mỹ Pence thay ông Donald Trump dự hội nghị ở châu Á
Mỹ-Nhật-Hàn khẳng định quan hệ đồng minh đối với hòa bình châu Á