Ngày 23/8, phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng An ninh Liên bang Nga về việc Mỹ vừa thử tên lửa trước đó vài ngày, Tổng thống Putin đã tuyên bố: Nga chưa bao giờ muốn, không muốn và sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang, nhưng an ninh cho người dân và đất nước phải được đảm bảo.Tại cuộc họp với Hội đồng An ninh LB Nga, Tổng thống V.Putin tuyên bố, ngày 18 tháng 8, Mỹ đã phóng thử tên lửa hành trình trên mặt đất, mà theo quân đội Mỹ, đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 500 km.

tong_thong_nga_ilte_ziqu.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: VOA)

Những vũ khí như vậy bị cấm theo Hiệp ước về xóa bỏ các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ năm 1987. Tổng thống Putin lưu ý, Nga trước đây đã có dữ liệu rằng, Mỹ đã tham gia vào việc tạo ra vũ khí bị cấm theo Hiệp ước INF trong một thời gian dài.

Ông nhấn mạnh, không còn nghi ngờ gì nữa, các kế hoạch thực sự của Mỹ là tránh khỏi các hạn chế và tự do triển khai các tên lửa bị cấm trước đó ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, Nga chưa bao giờ muốn, không muốn và sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang tàn phá, tốn kém cho nền kinh tế của đất nước. Ông nhắc nhớ rằng, Nga về chi tiêu quốc phòng, chiếm một vị trí khá khiêm tốn, thứ bảy trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Anh, Pháp và Nhật Bản..

Tổng thống Putin khẳng định: "Chúng ta chế tạo ra các hệ thống vũ khí mới nhất, đã được nhắc tới, thực sự chưa có loại tương tự trên thế giới, có thể nói, do bị khiêu khích bởi việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước về giới hạn hệ thống phòng thủ chống tên lửa  năm 2003. Chúng ta đã buộc phải làm và có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho người dân và đất nước. Chúng ta đang làm điều này bây giờ và chắc chắn sẽ làm trong tương lai."

Theo đó, Tổng thống Nga V.Putin đã giao nhiệm vụ cho  Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Bộ Ngoại giao và các bộ chuyên ngành liên quan phân tích mức độ đe dọa do các hành động của Mỹ và thực hiện các biện pháp đáp trả đối xứng. Đồng thời, Nga vẫn như trước, sẵn sàng đối thoại bình đẳng và mang tính xây dựng với Mỹ để khôi phục niềm tin và tăng cường an ninh quốc tế.

Cũng trong ngày 23/8, Hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn lời của một quan chức có thẩm quyền tại EU cho biết, EU kêu gọi Nga và Mỹ đối thoại tích cực về kiểm soát vũ khí và cảnh báo chống lại một cuộc chạy đua vũ trang mới.

EU hoan nghênh, nếu như các bên tiếp tục và tích cực đối thoại về tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) sau năm 2021 và các cơ chế khác về kiểm soát vũ khí. Cũng theo lời quan chức này, EU kêu gọi duy trì thành tựu của Hiệp ước INF, trước sự gia tăng căng thẳng, cần thận trọng để không chạy đua vũ trang, có thể "san phẳng" kết quả cắt giảm vũ khí đã đạt được sau khi kết thúc chiến tranh lạnh./.