Ngày 8/11, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tỏ ra coi thường và bác bỏ đề nghị của Thủ tướng David Cameron về việc “đảm bảo an toàn nếu ông chịu từ bỏ quyền lực và rời bỏ đất nước”. Ông Assad cho biết ông là người "cứng rắn hơn Gaddafi" và sẽ sống và chết trên mảnh đất đã sinh ra ông.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc trả lời phỏng vấn với RT (Ảnh: AP) |
Cái giá phải trả cho sự can thiệp quân sự vào Syria là “vô cùng lớn”
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình RT của Nga, Tổng thống Syria Bashar Assad cho biết ông sẽ không rời khỏi Syria, đồng thời cảnh báo sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào cuộc xung đột ở Syria có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong khu vực và thế giới.
"Chúng tôi là thành trì cuối cùng của chủ nghĩa thế tục góp phần vào sự ổn định và cùng chung sống trong khu vực. Bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng có thể tạo ra hiệu ứng domino ảnh hưởng đến toàn thế giới từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương”, Tổng thống Bashar Al-Assad nói với RT.
"Tôi không phải là một con rối, và tôi sẽ không thực hiện bất kỳ đề nghị nào của phương Tây để rời bỏ quê hương đến bất kỳ quốc gia nào khác". "Tôi là người Syria, và tôi sẽ sống cũng như chết ở Syria", ông al-Assad cho biết trong cuộc phỏng vấn.
Syria đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến kéo dài trong 20 tháng qua. Chính phủ và phe đối lập vẫn không thể đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, các nước phương Tây và đồng minh đang tiếp tục gây sức ép buộc Tổng thống Syria phải từ bỏ quyền lực, thậm chí kêu gọi can thiệp vũ trang vào đất nước đang bị xung đột tàn phá này.
Tổng thống al-Assad cũng cho biết, ông không nghĩ rằng phương Tây đang chuẩn bị để can thiệp quân sự vào Syria, bởi nếu điều đó xảy ra, sẽ khó có thể tưởng tượng nhưng gì sẽ diễn ra tiếp theo. "Tôi nghĩ rằng, cái giá của cuộc xâm lược này sẽ lớn hơn rất nhiều mà thể giới có thể chịu đựng được".
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức yêu cầu NATO triển khai tên lửa Patriot
Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã chính thức yêu cầu NATO triển khai tên lửa Patriot dọc biên giới với Syria, vì lo ngại rằng xung đột vũ trang có thể tràn qua biên giới.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn phủ quyết việc trang bị vũ khí hạng nặng cho quân nổi dậy. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị NATO về giải pháp này như một cách để bảo vệ người dân Syria khi họ không thể tự bảo vệ mình.
Dòng thác người tị nạn Syria đang gây áp lực rất lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế cũng cho biết, ngày càng khó khăn hơn trong việc đối phó với tình hình đang xấu đi tại Syria.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết nước này sẽ đề cập đến việc thay đổi lệnh cấm vận vũ khí của EU tại một cuộc họp các Bộ trưởng ngoại giao EU trong một vài tuần tới. Tuy nhiên, Bộ này không cho biết cụ thể đề nghị thay đổi phạm vi của lệnh cấm.
"Thủ tướng Cameron đã tuyên bố Anh không có kế hoạch trang bị vũ khí cho phe đối lập Syria. Mục tiêu của chúng tôi là chấm dứt xung đột, tránh rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu và kéo dài, đồng thời đạt được một quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria. Tất cả sự hỗ trợ của chúng tôi phù hợp với lệnh cấm vận vũ khí của EU cũng như quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu vũ khí theo luật pháp của chúng tôi", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
Cuộc nội chiến tại Syria ngày càng khốc liệt trong những tháng gần đây. Lực lượng phiến quân đã nhận được sự hỗ trợ tài chính, cũng như hỗ trợ về mặt ngoại giao từ Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, phe đối lập vẫn chưa để vượt qua được những bất đồng, đấu đá nội bộ và hình thành một lực lượng thống nhất. Phiến quân và các đồng minh phương Tây cũng đang lo lắng bởi các dấu hiệu cho thấy, lực lượng Hồi giáo cực đoan gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng trong phe đối lập Syria./.