Hai năm sau cuộc khủng hoảng dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak, Ai Cập một lần nữa chìm trong hỗn loạn. Tổng thống nước này Mohamed Mursi đang phải đối mặt với một giai đoạn khủng hoảng chưa từng có kể từ khi ông đắc cử hồi giữa năm 2012.

ai-cap.jpg
Biểu tình phản đối ở Ai Cập (ảnh: Reuters).

Dù những ngày qua, tình hình an ninh tại thủ đô Cairo đã được cải thiện rõ rệt, song hôm qua vẫn có thêm 2 người chết trong các vụ đụng độ tại khu vực gần quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, nâng tổng số người thiệt mạng trong 7 ngày qua lên 54 người.

Trong bối cảnh này, Người đứng đầu Mặt trận Cứu quốc (NSF), khối đối lập chính tại Ai Cập, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ông Mohamed ElBaradei đã kêu gọi đối thoại khẩn cấp với các nhà lãnh đạo Ai Cập. Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Mursi đang có chuyến thăm Đức khẳng định muốn đưa Ai Cập trở thành một nhà nước pháp quyền tôn trọng tất cả các ý kiến, dù là trái chiều.

“Ai Cập sẽ là một nhà nước được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp luật, một nhà nước dân sự chứ không phải là nhà nước quân sự và không mang bản chất thần quyền, tôn trọng tất cả các ý kiến khác nhau. Có thể nói đây sẽ là một nhà nước hiện đại với tất cả ý nghĩa có nó”.

Dù những động thái này đều cho thấy sự nhượng bộ từ cả hai phía, song liệu có đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay hay không thì vẫn là một câu hỏi lớn, khi mà người dân đã quá mệt mỏi với các cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị.

Theo các nhà phân tích, đây là thời điểm khó khăn với Tổng thống Mursi trong hơn 7 tháng cầm quyền. Từ chỗ được người dân ủng hộ, các biện pháp cải cách gần đây của ông dường như đang phản tác dụng và khiến tên tuổi của ông cùng Tổ chức anh em Hồi giáo trở thành tâm điểm chống đối ở trong nước.

Sự xuất hiện của cảnh sát chống bạo động, quân đội cùng vũ khí hạng nặng trên đường phố khiến người dân bắt đầu nghi ngờ những lời kêu gọi vì hòa bình dân chủ của chính quyền đương nhiệm.

Trong bối cảnh này, ngày 29/1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi cảnh báo, tình trạng xung đột tiếp diễn giữa các phe phái chính trị và những bất đồng về cách thức quản lý đất nước có thể dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước và đe dọa các thế hệ tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng, đây chắc chắn là một thử thách không nhỏ nữa đối với Tổng thống Mursi. Một lần nữa quân đội, lực lượng mà trước đây ông Mursi từng cố gắng hạn chế quyền lực, lại nhảy vào cuộc. Song để ngăn chặn khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, quân đội không thể mãi đứng ngoài. Thực tế đang cho thấy, tình trạng đối đầu giữa Tổng thống Mursi và phe đối lập chỉ gây bất lợi cho cả hai và có nguy cơ đẩy quốc gia với hơn 90 triệu dân rơi trở lại vòng xoáy phức tạp và nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội mới./.