Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời ông Alain Bouillard, một chuyên gia thuộc Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA) cho rằng, các nhà điều tra tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích đang phải đối mặt với một nhiệm vụ “cực kỳ khó khăn”.

Tìm kiếm MH370 khó khăn hơn nhiều so với các trường hợp trước đó

Ông Bouillard, người từng phụ trách việc tìm kiếm chiếc máy bay AF447 chở 228 hành khách và phi hành đoàn của Air France bị rơi ở Đại Tây Dương giữa Rio de Janeiro và Paris ngày 1/6/2009 cảnh báo rằng, vụ tìm kiếm MH370 có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với vụ AF447.

missing-mh370-1.jpg
Những ngọn nến được thắp lên cầu nguyện cho chiếc máy bay Malaysia bị mất tích (Ảnh: Reuters)

Trong vụ chiếc Airbus A330 mang số hiệu AF447 của Air France gặp nạn ở Đại Tây Dương, ngày 6/6/2009, (chỉ 6 ngày sau khi chiếc máy bay bị mất tích) , lực lượng tìm kiếm Brazil mới vớt được hai thi thể đầu tiên và một vali chứa vé của chuyến bay AF447 trên Đại Tây Dương, tại vị trí cách quần đảo Fernando de Noronha của Brazil khoảng 640 km về phía đông bắc. 

Tuy nhiên, mãi đến tháng 5/2011, sau chiến dịch tìm kiếm kéo dài gần 2 năm với nhiều phương tiện ngầm và trên mặt nước, hai hộp đen của máy bay mới được tìm thấy và đưa lên từ độ sâu gần 4.000 m dưới đáy biển. Lực lượng tìm kiếm chỉ tìm thấy 154 thi thể, thi thể của 74 người còn lại chưa được tìm thấy.

Ý kiến của ông ​​Alain Bouillard khá giống với quan điểm của các chuyên gia an toàn hàng không khác khi cho rằng, vùng nước sâu ở khu vực biển phía Nam Ấn Độ Dương, nơi các lực lượng đang tập trung tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia bị mất tích là “một trong những khu vực khắc nghiệt nhất trên thế giới”.

Chuyên gia Alain Bouillard nói: “Chiếc máy bay mang số hiệu MH370 bi mất tích vẫn còn là một điều bí ẩn, nó sẽ dẫn đến một cuộc điều tra và tìm kiếm khó khăn hơn nhiều so với trường hợp của chuyến bay AF447 trên Đại Tây Dương”.

Ông Bouillard nói thêm: “Thuận lợi trong vụ AF447, đó là chúng tôi có nhiều manh mối hơn. Chúng tôi biết rằng, chiếc máy bay đã gặp phải vấn đề nhờ vào 24 thông điệp được phát đi từ hệ thống thông tin liên lạc ACAR trên máy bay trong khoảng hơn 4 phút”.

“Chúng tôi biết chính xác vị trí của nó trong khoảng thời gian 4 phút máy bay gặp sự cố trước khi nó đâm xuống biển, điều đó cho phép chúng tôi khoanh vùng tìm kiếm chỉ trong phạm vi 40 hải lý xung quanh khu vực máy bay gặp nạn. Đó đã là gì so với diện tích tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích?”, theo ông Bouillard.

Các thông tin cần phải được kiểm chứng kỹ lưỡng

Trước thông tin vệ tinh Australia phát hiện 2 vật thể lạ nghi là mảnh vỡ của MH370 ở vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương, nằm cách thành phố ven biển Perth của Australia 2.350 km, ông Bouillard nói rằng, ông sẽ rất “thận trọng” khi tiếp nhận thông tin trên.

Ông Bouillard cho hay: “Ngay khi bắt đầu cuộc tìm kiếm, chúng ta đã phát hiện ra những vệt dầu loang nhưng rốt cuộc đó lại không phải là manh mối giúp tìm chiếc máy bay. Sau đó cũng có thông tin về các mảnh vỡ nhưng chúng không hề liên quan đến MH370”.

Màu vàng trên bản đồ, khu vực Australia đang tập trung tìm kiếm sau khi phát hiện trên ảnh vệ tinh có 2 vật thể lạ nghi là mảnh vỡ của MH370 ở khu vực này (Ảnh: AMSA)

Theo ông Bouillard, ngay cả khi tìm được những mảnh vỡ thật sự của MH370, các chuyên gia sẽ phải nghiên cứu dòng hải lưu, gió và các yếu tố ngoại cảnh khác để có thể xác định được vị trí của chiếc máy bay.

Ông nói: “Các mảnh vỡ sẽ trôi dạt một khoảng cách khá xa khi mà chiếc máy bay đã mất tích được gần hai tuần”.

Ông Bouillard cũng cho rằng, trong trường hợp tìm thấy mảnh vỡ của MH370, các chuyên gia sẽ phải tiến hành phân tích, xác định xem khả năng máy bay có bị nổ trên không, hay vỡ vụn sau khi tiếp xúc với mặt biển? Từ đó xây dựng một kịch bản để xác định vị trí của chiếc máy bay.

Nếu MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương, việc tìm kiếm sẽ khó hơn gấp bội

Với giả thuyết mới nhất, thuyết phục nhất vào lúc này là chiếc máy bay của Malaysia có thể đã rơi xuống vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương, ngay cả khi tìm thấy vị trí chính xác của chiếc máy bay, việc trục vớt sẽ gặp phải những trở ngại thực sự. Theo ông Bouillard, vùng biển này quá sâu, chỉ có một số rất ít tàu thuyền có khả năng lùng sục tìm kiếm hộp đen của chiếc máy bay ở dưới đáy Ấn Độ Dương, điều này gần như là “không tưởng”.

Chuyên gia Bouillard nói: “Chúng tôi tìm thấy xác của chiếc Airbus mang số hiệu AF447 ở độ sâu khoảng 3.657m nhưng hộp đen lại ở độ sâu 6.000m. Nếu MH370 gặp nạn ở vùng biển sâu tại Ấn Độ Dương, thách thức đặt ra còn khó khăn gấp bội”.

Trên thực tế, việc tìm kiếm phần thân chiếc máy bay AF447 và hộp đen của nó đã trải qua một quãng thời gian dài không có kết quả dù một lực lượng tìm kiếm hùng hậu được trang bị các thiết bị hiện đại đã vào cuộc.

Cuối cùng, sau hàng loạt các tính toán phức tạp cộng thêm phán đoán, người ta mới có thể xác định vị trí của chiếc hộp đen máy bay và trục vớt nó bằng một thiết bị điều khiển từ xa chuyên dụng.

Đối với cuộc điều tra, tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích, ông Bouillard cho rằng: “Có ba câu hỏi chính cần phải tìm được câu trả lời, đó là chuyện gì đã xảy ra? Nó xảy ra như thế nào và tại sao nó xảy ra? Chúng ta vẫn không có bất kỳ tiến bộ nào trong việc này”.

Ông Bouillard kết luận: “Tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích là công việc phức tạp, một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và có thể sẽ không thu được kết quả. Tuy nhiên, những nỗ lực tìm kiếm là cần thiết và chúng ta vẫn có quyền hy vọng”./.