Tình hình Syria vẫn bế tắc sau khi Hội nghị quốc tế về Syria (còn gọi là Hội nghị Geneva 2) đã kết thúc vào ngày 31/1 mà không đạt được tiến triển cụ thể nào. Trong khi đó, Nga, Mỹ vẫn tiếp tục bất đồng trong vấn đề tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria. Điều này khiến cho triển vọng cho việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng tại nước này càng thêm mờ mịt.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) cùng Đặc phái viên chung về Syria của Liên Hợp Quốc - Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi ở Paris ngày 13/1 (Ảnh: AP) |
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (UN) và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi đã phải thừa nhận thất bại của Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria vừa kết thúc ở Thụy Sĩ.
Phát biểu bên lề các cuộc thỏa luận tại Hội nghị an ninh thường niên lần thứ 50 tổ chức tại thành phố Munich của Đức, ông Lakhdar Brahimi cho biết: “Tôi thực sự xấu hổ khi phải nói rằng, chúng tôi đã không thành công trong nỗ lực tháo gỡ cuộc khủng hoảng tại Syria. Chúng tôi đã không thành công. Có thể nói đó là một vấn đề nan giải và cũng cực kỳ khó khăn”.
Theo ông Lakhdar Brahimi, hai bên không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Phe đối lập yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức và thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại Syria. Tuy nhiên phía chính quyền Damacus thẳng thừng từ chối yêu cầu này và nhấn mạnh Hội nghị này chỉ nhằm mục tiêu giảm bạo lực và “khủng bố”. Hai bên thậm chí không thể đạt được mục tiêu khiêm tốn hơn, chẳng hạn như một thỏa thuận cho phép các đoàn xe cứu trợ vào Homs- thành phố lớn thứ ba của Syria, nơi hàng ngàn người dân đang bị mắc kẹt mà không được cung cấp lương thực hoặc thuốc men.
Ông Lakhdar Brahimi cho biết: “Chúng tôi không chắc rằng bao nhiêu người chúng tôi ngồi trong căn phòng đó đã góp phần để đưa hàng viện trợ đến trại tỵ nạn Yarmouk của người Palextin. Nhưng chúng tôi đã không thể làm bất cứ điều gì cho Homs. Chúng tôi cũng không thể làm bất cứ điều gì với những tù nhân, những người bị bắt cóc và những người bị mất tích trong cuộc chiến tại Syria”.
Ông Lakhdar Brahimi, người theo đuổi không mệt mỏi một thỏa thuận hòa bình mà các nhà ngoại giao khác xem như "Nhiệm vụ bất khả thi" cũng cho biết, phái đoàn đàm phán của chính phủ Syria chưa thể xác nhận có tham dự vòng đàm phán thứ hai vào ngày 10/2 tới hay không, trong khi đó phe đối lập Syria xác nhận sẽ quay trở lại tham dự vòng đàm phán tiếp theo này.
Trong khi đó về việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, Nga và Mỹ vẫn bất đồng trên bàn đàm phán. Washington cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al- Assad âm mưu cố tình làm chậm quá trình này, trong khi đó Moscow - đồng minh lớn của Syria bác bỏ điều này.
Hãng thông tấn Interfax của Nga ngày 31/1 dẫn lời người đứng đầu bộ phận an ninh và giải trừ vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov cho biết, hạn chót 30/6 tới để phá hủy toàn bộ số vũ khí hóa học của Syria vẫn ''hoàn toàn khả thi.''
Ông Ulyanov nêu rõ, tiến độ chuyển giao số vũ khí hóa học ở Syria bị chậm chễ là do an ninh không đảm bảo trên tuyến đường vận chuyển vũ khí hóa học đến cảng Latakia, nơi tập kết để chuyển lên các tàu nước ngoài đem đi tiêu hủy; ngoài ra còn có vấn đề kỹ thuật do chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của quốc tế. Tuy nhiên, ông Ulyanov khẳng định, tiến trình phá hủy vũ khí hóa học của Syria sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch bất chấp những trở ngại nêu trên.
Theo ông Ulyanov, Moscow không đồng tình với những cáo buộc của Washington cho rằng chính quyền của Tổng thống Assad chần chừ chuyển giao vũ khí hóa học như cam kết với cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày đã cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al- Assad rằng, Chính phủ Syria có thể đối mặt với những hậu quả nếu không thực hiện các thỏa thuận quốc tế nhằm loại bỏ kho vũ khí hóa học của nước này. Phát biểu với báo giới tại Berlin trong chuyến thăm Đức, ông Kerry nói rằng, Damacus đã không tuân thủ thời gian biểu cho việc chuyển kho vũ khí này ra khỏi Syria đã được Mỹ và Nga nhất trí trước đó: "Chính quyền của ông Bashar al- Assad đã không tuân thủ thời gian vận chuyển vũ khí hóa học ra khỏi Syria như đã cam kết. Theo như Tổ chức cấm vũ khí hóa học, chính quyền Syria có thể thực hiện việc này nhanh hơn. Tôi nói rõ rằng, thời gian cho việc vận chuyển vũ khí ra khỏi Syria đã hết . Tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng, chúng tôi muốn chính quyền của ông Bashar al- Assad cần phải tuân thủ những nghĩa vụ của mình”.
Tháng 9/2013, Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận nhằm tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria. Thỏa thuận bao gồm một cam kết áp đặt các biện pháp theo Chương 7 trong khuôn khổ Hội đồng bảo an, tức Liên Hợp Quốc có thể đặt ra các biện pháp trừng phạt, kể cả đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự./.