Trong bài phát biểu đưa ra tối 27/2, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã đưa ra một cam kết về lộ trình diễn ra cuộc bầu cử dân sự sau nhiều lần trì hoãn. Theo đó, hạn chót của cuộc bầu cử không khiến dư luận  ngạc nhiên. Các đảng phái chính trị mới được thành lập sẽ chính thức được đi vào hoạt động từ 1/3 năm nay trong khi các đảng đã được thành lập trước đó sẽ tái hoạt động trở lại chậm hơn 1 tháng.

thu_tuong_thai_pxoc.jpg
Ông Prayuth. Ảnh: SCMP.

Ông Prayuth nói: “Kể từ ngày 1/3, chúng tôi cho phép các đảng chính trị mới được đăng ký thành lập, kể từ ngày 1/4, cho phép các đảng chính trị cũ được tái lập đảng của mình. Ngày 1/6 tất cả các bên trong đó cả đảng mới và cũ sẽ họp để bàn bạc về những quy định của cuộc bầu cử. Mọi việc phải xong và bắt đầu bầu cử không được chậm hơn tháng 2/2019”.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ quân sự Thái Lan cũng cho biết chưa thể đảm bảo được chắc chắn việc bầu cử có thể diễn ra đúng dự kiến hay không vì còn phải phụ thuộc vào tình hình thực tế của đất nước. Ông Prayuth cũng yêu cầu các phóng viên không hỏi thêm bất cứ điều gì về bầu cử.

Trước đó, hạn chót của cuộc bầu cử dân sự liên tiếp bị lùi bởi những quyết định do hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia Thái Lan mà người đứng đầu là ông Prayuth đưa ra. Trong lần trì hoãn gần đây nhất, ngày bầu cử được ấn định vào tháng 11 nhưng vào tháng 1 vừa qua, Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA, tức Quốc hội Thái Lan) do quân đội chỉ định đã thay đổi luật bầu cử, một dấu hiệu cho thấy cuộc bầu cử sẽ tiếp tục bị trì hoãn.

Hôm 22/2, Hội đồng Lập pháp Quốc gia cũng đã bác bỏ tất cả ứng viên được đề cử vào vị trí ủy viên Ủy ban Bầu cử, động thái khiến tiến trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới trở nên phức tạp hơn.

Việc chậm tiến hành dân sự hóa chính phủ của Thái Lan gặp rất nhiều sức ép và sự chỉ trích của dư luận trong nước và quốc tế./.