1. Tại hai huyện ven biển Yilan và Hualien, kể từ sáng ngày 7/8, các cơ quan chính phủ cũng như trường học đã đóng cửa. Một số chuyến bay cất cánh từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã bị hủy bỏ để tránh bão. Trong khi đó, dịch vụ phà tới các đảo xa của Đài Loan cũng tạm ngừng hoạt động kể từ hôm qua.

bao_2_xhvn.jpg
Hình ảnh vệ tinh siêu bão mạnh nhất năm 2015 Soudelor. (Ảnh: Washington Post)

Một phát ngôn viên của cơ quan cứu hộ Đài Loan cho hay một bé gái 8 tuổi ở huyện Yilan, phía Đông Đài Loan trở thành nạn nhân đầu tiên của siêu bão Soudelor do bị sóng cuốn ra biển ngày 6/8. Trong một tai nạn tương tự, một phụ nữ 38 tuổi và một thiếu nữ trẻ may mắn sống sót.

Theo Cơ quan khí tượng Trung ương Trung Quốc, siêu bão Soudelor - Trung Quốc gọi là cơn bão số 13 có sức gió mạnh nhất lên tới 209 km/h dự báo đổ bộ vào các tỉnh miền Đông Trung Quốc ngày mai. Dự báo khi vào đất liền, sức gió sẽ còn mạnh hơn, tạo ra những đợt sóng cao từ 8m đến 10m.

Do ảnh hưởng của bão, hàng loạt các chuyến bay đi và đến các tỉnh miền Đông Trung Quốc sẽ thay đổi lịch trình, trong hai ngày 8 và 9/8, tất cả các chuyến bay từ Bắc Kinh đến thành phố Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến sẽ ngừng hoạt động.

2.Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, dù còn nhiều khó khăn trong đàm phán TPP nhưng ông tin tưởng quá trình đàm phán sẽ kết thúc trong năm 2015.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có mặt tại Trung tâm Mỹ ở Hà Nội.

Chiều 7/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có mặt tại Trung tâm Mỹ tại Hà Nội để trao đổi với các bạn trẻ về chủ đề quan hệ giữa hai nước, trong đó có vấn đề đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, đàm phán TPP cam go là điều khó có thể tránh khỏi bởi cuộc đàm phán này liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế và thương mại của 12 nước tham gia đàm phán. Ông Kerry cũng vui vẻ ví von rằng, đàm phán hạt nhân Iran phải mất một thập kỷ mới đạt được thỏa thuận lịch sử dù cuộc đàm phán này chỉ diễn ra giữa Iran và nhóm P5+1 (tức là chỉ có 6 nước tham gia).

3.Cơ quan điều tra Pháp vẫn đang tiếp tục giám định các mảnh vỡ máy bay đã tìm thấy, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm thêm các mảnh vỡ xung quanh đảo Reunion.

Sau khi mảnh vỡ đầu tiên được tìm thấy tại đảo Reunion của Pháp và được Malaysia cho là một phần của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 đã mất tích từ ngày 8/3/2014, Pháp vẫn đang đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm thêm các mảnh vỡ máy bay xung quanh đảo Reunion.

Hiện công tác phân tích giám định mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên đảo Réunion đã bước sang ngày thứ hai. Hầu hết các chuyên gia hàng không và cảnh sát Pháp đều cho rằng, chỉ một mảnh vỡ của máy bay Boeing 777 thì khó có thể phá tan bức màn bí ẩn trong vụ máy bay mang số hiệu MH370 biến mất ngày 8/3/2014 và tuyên bố của các nhà chức trách Malaysia xác nhận rằng mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở Ấn Độ Dương là từ MH370, được cho là hơi nóng vội.

Xem thêm: Tại sao Pháp từ chối trao lại mảnh vỡ MH370 cho nước khác?

4. Ngày 6/8, giới chức quân sự Mỹ cho biết họ nghi ngờ tin tặc Nga đã xâm nhập vào hệ thống email của Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS).

(Hình minh họa: KT)

Vụ tấn công này diễn ra vào ngày 25/7, các quan chức cho biết. Sau khi phát hiện, Lầu Năm Góc đã ngay lập tức vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống email nói trên để giảm thiểu thiệt hại.

4.000 quân nhân và nhân viên dân sự đang làm việc tại JCS đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Giới chức Mỹ cho biết, họ hy vọng hệ thống email sẽ sớm hoạt động trở lại trong những ngày tới.

Dựa vào quy mô và sự phức tạp của vụ tấn công, giới chức Mỹ tin rằng đây là sản phẩm của chính phủ nước ngoài.

Một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết: “Cuộc tấn công này khá phức tạp và có sự chỉ dẫn… có thể từ một nhà nước như Nga”.

Mặc dù vậy, các quan chức cảnh báo rằng rất khó có thể xác định được chính xác thủ phạm của những vụ tấn công trên mạng. “Hiếm khi bạn có thể chắc chắn 100% rằng người nào đứng phía sau vụ tấn công”, các quan chức nói.

5. Lễ khánh thành kênh đào Suez mở rộng, kỳ quan mới của Ai Cập diễn ra hoành tráng hôm 6/8 trong sự hân hoan của người dân và chính phủ nước này.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố khánh thành kênh đào Suez “mới” trong lễ khai trương được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khởi công vào tháng 8/2014 với vốn đầu tư 9 tỷ USD, dự án kênh mới này bao gồm việc đào mới và nạo vét lòng kênh cũ, sẽ cho phép tàu thuyền di chuyển hai chiều, đồng thời giúp tăng gấp đôi công suất vận tải đường thủy. Theo tính toán, kênh đào mới này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, nhờ đó tăng gấp 4 lần lưu lượng vận chuyển.

Bởi thế Tổng thống Sisi đã gọi kênh đào mới Suez là “món quà của Ai Cập dành cho thế giới”./.