1.Bộ Ngoại giao Nga ngày 16/5 khẳng định nước này có quyền tiến hành các biện pháp đáp trả trước việc Mỹ và khối NATO kích hoạt mộtlá chắn phòng thủ tên lửađặt tại châu Âu.

binh_si_jkic.jpg
Một nhóm binh sĩ Nga tham gia tập trận tại khu vực biên giới. Ảnh DPA

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova, Nga rất sẵn lòng hợp tác với NATO và Mỹ trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Tuy nhiên, trước những hành động đơn phương của Mỹ và NATO, thì Nga chắc chắn bảo lưu quyền thực thi các biện pháp đáp trả.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho biết: “Nga đã nhiều lần chỉ ra những nguy hiểm khi hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai dọc khu vực. Nhưng mối quan tâm của chúng tôi đã bị phớt lờ. Do đó, chúng tôi đã có những sự sẵn sàng riêng của mình, trong đó có cả việc chúng tôi chuẩn bị các biện pháp quân sự và kỹ thuật để đối phó”.

Trước đó, ngày 12/5, Mỹ và NATO kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại một căn cứ Không quân ở Deveselu, miền Nam Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch và đầu tư hàng tỷ USD.

Không những thế, Mỹ cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan, dự kiến hoạt động vào năm 2018 nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.

2.  Mỹ và các cường quốc thế giới sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Chính phủ đoàn kết thống nhất Libya nhằm đối phó với các tổ chức khủng bố như IS.

Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau hội nghị quốc tế bàn về Libya, dưới sự chủ trì của Mỹ và Italy diễn ra ngày 16/5 tại thủ đô Vienna, Áo nhằm khởi động giai đoạn 2 của kế hoạch ổn định tình hình tại quốc gia Bắc Phi này cũng như cuộc chiến chống tổ chức IS.

Phiến quân IS trên đường phố Libya. Ảnh Reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, các cường quốc sẽ ủng hộ Libya trong việc miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt vũ khí của Liên Hợp Quốc. Theo Ngoại trưởng Mỹ, IS đã và đang trở thành một mối đe dọa mới đối với Libya và cần bị ngăn chặn ngay lập tức.

Theo ông Kerry, Chính phủ đoàn kết thống nhất Libya là thực thể duy nhất có thể thống nhất đất nước Libya. Do đó, hỗ trợ Chính phủ Libya đối phó với IS và các nhóm cực đoan là cách duy nhất để đảm bảo cho sự tồn tại của các thể chế tại Libya.

Tại hội nghị, đại diện các nước cũng đã tập trung thảo luận cách thức mang lại hòa bình cho Libya cũng như mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ các phần tử IS đang hoạt động tại Libya.

Hiện Liên Hợp Quốc đang áp đặt một lệnh cấm vận đối với Libya nhằm ngăn chặn các loại vũ khí gây sát thương có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố và các nhóm phiến quân đang tranh giành quyền lực tại nước này.

3. Chính phủ Ukraine ngày 16/5 cho biết, bạo lực đã bùng phát ác liệt trở lại ở miền Đông Ukraine khi lệnh ngừng bắn nhân lễ Phục sinh chưa kết thúc.

Quân đội Ukraine cho biết, trong 24 giờ qua đã xảy ra 36 vụ tấn công của lực lượng đối lập nhằm vào các địa điểm, cơ sở quân sự của Ukraine ở miền Đông làm ít nhất một binh sĩ thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Binh sĩ Ukraine tại miền Đông. Ảnh AP

Trong khi đó, người đứng đầu chính quyền tự xưng Donetsk cáo buộc quân Chính phủ đã vi phạm lệnh ngừng bắn, làm bùng phát căng thẳng trong những ngày qua.

Lãnh đạo lực lượng nổi dậy xác nhận tình hình an ninh ở Donbass đang ngày càng xấu đi, khi quân chính phủ vi phạm lệnh ngừng bắn 340 lần. 

4. Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ và Hàn Quốc tập trung vào việc phát hiện và đối phó với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Thông tin trên được một quan chức quốc phòng Seoul đưa ra ngày 16/5 và cho biết, cuộc tập trận chung này dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 28/6 trùng thời điểm với cuộc tập trận Hải quân đa quốc gia diễn ra 2 năm một lần tại Hawaii từ tháng 6-8 mà 3 quốc gia nói trên cũng thường xuyên tham gia.

Binh sĩ Mỹ-Hàn tham gia một cuộc tập trận đổ bộ. Ảnh Reuters

Quyết định trên của Tokyo được đưa ra bất chấp việc Nhật Bản và Hàn Quốc có tranh chấp từ lâu đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo. Tuy nhiên, cả hai đã “tạm gác lại tranh chấp” để cùng đối phó với “tham vọng hạt nhân” của Triều Tiên.

Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành nhiều đợt phóng thử tên lửa đạn đạo và công khai tuyên bố sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hiện đại có khả năng sẽ được gắn lên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này để tấn công Mỹ.

Những hành động trên của phía Triều Tiên đã dẫn tới việc nước này phải chịu thêm những lệnh trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc- đồng minh thân cận của Triều Tiên- cũng đã lên tiếng phản đối đồng minh của mình.

5.Chuyên gia của Liên Hợp Quốc về quyền của người di cư ngày 16/5 bày tỏ lo ngại về tính hợp pháp và sự an toàn của thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về cuộckhủng hoảng người di cư.

Phát biểu sau chuyến thăm 5 ngày tới Hy Lạp, gặp gỡ với nhiều quan chức chính phủ, tổ chức quốc tế và người di cư, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền của người nhập cư, tị nạn Francois Crepeau cho rằng, EU đang thiếu chiến lược dài hạn để xử lý cuộc khủng hoảng di cư.

Châu Âu cần có một giải pháp dài hạn cho vấn đề người di cư. Ảnh EPA

“Tôi nghĩ rằng, có sự hạn chế về tầm nhìn ở cấp độ EU. Liên minh châu Âu đang ở tình huống nơi có các giải pháp không mang tính dài hạn, dựa trên chính sách di trú, trong đó  bao gồm các khía cạnh của vấn đề di cư, sự biến động xã hội và bảo vệ người tị nạn.

Tôi nghĩ rằng, châu Âu cần có những chiến lược mang tính cấu trúc, dài hạn, định hướng hơn mà chúng tôi muốn thấy trong 10 hay 20 năm nữa”, ông Crepeau nhận định.

Nói về tính hiệu quả và an toàn của thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, ông Crepeau cho rằng, những khó khăn mà Hy Lạp đang phải đối mặt hiện nay khi phải “lưu giữ” người di cư đó là việc thiếu thông tin về tình trạng người di cư, việc quản lý, trông nom trẻ em hay các gia đình có trẻ em tại các cơ sở tiếp nhận không phù hợp hay việc quá tải trong khâu tổ chức về pháp lý và hậu cần ở các trung tâm lưu giữ người tị nạn.../.