1. Ngày 9/9, Mỹ và phương Tây bày tỏ lo ngại trước những thông tin về việc Nga đang tăng cường hiện diện quân sự tại Syria. Các nguồn tin cho biết, Nga đang thiết lập 2 căn cứ quân sự tại Syria, một gần bờ biển và một ở sâu trong đất liền.
nga_syria_wrqq.jpg
Máy bay Nga chở 15 tấn hàng cứu trợ các loại tới sân bay quốc tế Bassel al-Assad, TP Latakia (Ảnh AFP)

Nhật báo Kommersant đưa tin, Nga cung cấp cho quân đội Syria súng bộ binh, súng chống tăng và xe thiết giáp chở quân khi nước này đang chiến đấu chống các chiến binh cực đoan IS.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Lavrov, đã cảnh báo rằng động thái này của Nga có thể kích động thêm bạo lực. Ngoại trưởng Đức Steinmeier cũng cảnh báo Nga không nên gia tăng can thiệp quân sự tại Syria trong khi Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg cho rằng động thái của Nga sẽ không góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Syria
Nga cho biết hiện chỉ có các chuyên gia quân sự nước này đang có mặt ở Syria để hỗ trợ việc chuyển giao vũ khí "theo hợp đồng song phương" cho chính quyền Tổng thống al- Assad nhằm chống khủng bố, đồng thời khẳng định bất kỳ biện pháp hỗ trợ bổ sung nào đối với Syria sẽ đều được thực hiện trên cơ sở pháp luật quốc tế.
2. Các đảng phái chính trị ở Hungary ngày 9/9 đồng loạt lên án hành động phản cảm của nữ phóng viên N1TV có tên là Petra Laszlo. Nữ phóng viên này đã có hành vi ngáng chân và đạp người tị nạn trong khi tác nghiệp.
Nữ phóng viên Hungary N1TV đã có hành động phản cảm có thể phải đối mặt với án tù. (ảnh: Reuters)
Đảng Egyutt – PM và Liên minh Dân chủ Hungary yêu cầu phải truy tố nữ phóng viên này với tội danh hành hung người vô tội. Nếu điều này được thực thi, phóng viên Laszlo có thể bị phạt tới 5 năm tù giam.
Trước đó, trong lúc làm nhiệm vụ quay phim đám đông người tị nạn từ Trung Đông sang ở khu vực biên giới Hungary – Serbia, nữ phóng viên này đã có hành động ngáng chân một người đàn ông tị nạn đang bế một đứa trẻ đang khóc khiến người đàn ông này ngã xuống đất suýt đè lên đứa trẻ.
Sau khi hành vi phản cảm của nữ phóng viên bị quay video và đưa lên mạng, ngay lập tức kênh Hungary N1TV thông báo kỷ luật và đuổi việc nữ phóng viên này.

3. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa công bố danh tính và đòi tiền chuộc 2 tù nhân: một người Trung Quốc và một người Na Uy.

Hai tù nhân mặc áo vàng, trước ngực đeo biển với dòng chữ "Bán tù nhân Trung Quốc" và "Bán tù nhân Na Uy" (Ảnh Daily Mail)

Trong hình ảnh do IS tung ra trên mạng, 2 tù nhân này mặc áo màu vàng, trước ngực đeo một tấm biển với dòng chữ “để bán”. Tù nhân Na Uy được xác định tên là Ole Johan Grimsgaard-Ofstad, 48 tuổi, đến từ Oslo; tù nhân Trung Quốc tên là Fan Jinghui, 50 tuổi, làm nghề tư vấn tự do.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phát biểu trước báo giới, cho đây là một vụ việc nghiêm trọng và phức tạp, đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu của Na Uy là đưa con tin về nước một cách an toàn. Tuy nhiên, bà Solberg khẳng định, chính phủ Na Uy sẽ không trả tiền chuộc

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói: “Những tên bắt cóc đã đưa ra hàng loạt yêu cầu cùng với số tiền chuộc rất lớn. Chúng tôi không thể nhượng bộ và không thể để bị điều khiển bởi những kẻ khủng bố cực đoan. Na Uy sẽ không trả tiền chuộc”.

4. Ngày 9/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, EU đang có kế hoạch tái định cư thêm 120.000 người tị nạn. 

Người tị nạn trèo qua hàng rào sau khi trốn khỏi địa điểm tập trung tại Morahalom, Hungary (Ảnh Getty)

Nhiều nước ngoài khu vực Liên minh châu Âu cũng thông báo sẽ chấp nhận thêm nhiều người tị nạn để giảm nhẹ gánh nặng cho cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. 

Tuy nhiên, một số nước đã phản đối yêu cầu phải tiếp nhận thêm người tị nạn. Theo kế hoạch phân bổ của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean Claude-Juncker đệ trình lên Nghị viện Châu Âu, CH Czech dự kiến sẽ phải tiếp nhận thêm 3.000 người nữa.

CH Czech và ba nước Trung Âu của nhóm V4 là Hungary, Ba Lan và Slovakia đều phản đối kế hoạch này của EC. Họ cho rằng giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng là bảo vệ biên giới khu vực Schengen và cải thiện tình hình tại Syria và Libya.

Trong khi đó, những nguy cơ về an ninh đang dần hiện hữu, hàng ngàn người di cư đã đi bộ hoặc xe bus từ biên giới Serbia tới Thủ đô Budapest (Hungary) rồi sang Đức hoặc Áo, những kẻ quá khích cũng đã khơi mào cho các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối chính quyền sở tại.

Cùng với đó là mối lo ngại về nguy cơ lực lượng khủng bố trà trộn trong dòng người tị nạn tràn vào châu Âu. Trước đó, IS đã từng đe dọa rằng: “sẽ khiến châu Âu tràn ngập người tị nạn Hồi giáo, với khoảng 500.000 người trong năm 2015 này”.

5. Ngày 9/9, Liên minh châu Âu (EU) và Cuba đã bắt đầu vòng đàm phán mới nhằm bình thường hóa quan hệ song phương tại La Habana. Vòng đàm phán mới giữa EU và Cuba sẽ đề cập đến những vấn đề còn nhiều khác biệt như chính trị và nhân quyền.

Liên minh châu Âu và Cuba đặt ra thời hạn 31/12 tới để hoàn tất tiến trình đàm phán. Sau vòng đàm phán gần đây nhất vào tháng 6 vừa qua, giới chức châu Âu cho biết vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương vẫn là nhân quyền.