1.Hiện chưa rõ những hành động quân sự này của Nga nhằm gia tăng vai trò trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo ( IS) hay củng cố sức mạnh cho Tổng thống Bashar al-Assad nhưng đang khiến Mỹ thực sự lo ngại.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (ảnh: Reuters) |
Các quan chức Mỹ cho biết đã phát hiện được những bước đi chuẩn bị “đáng lo ngại” của Nga tại Syria, bao gồm vận chuyển nguyên liệu các căn nhà dựng sẵn cho hàng trăm người cũng như các trạm kiểm soát không lưu di động tới một căn cứ không quân ở thành phố cảng Latakia, một thành trì của Tổng thống Syria.
Phản ứng trước những thông tin về khả năng tham gia của Nga vào chiến dịch quân sự chống IS tại Syria , Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga đang xem xét mọi khả năng. Tuy nhiên, việc tham gia chiến dịch quân sự chưa nằm trong chương trình nghị sự của Nga. Hiện Nga mới chỉ đang cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo cho quân đội Syria.
Nga sẽ can thiệp quân sự vào Syria?
2.Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (Quốc hội) của CHND Donetsk tự xưng (DPR) Andrei Purgin bất ngờ bị bãi miễn chức vụ trong phiên họp bất thường đầu tháng 9.
Theo Tass, lên thay ông Andrei Purgin là Phó Chủ tịch Denis Pushilin. Người đứng đầu của Cộng hòa Nhân dân tự xưng DPR, Alexander Zakharchenko đã không tham dự cuộc họp này.
Tân Chủ tịch Denis Pushilin. (ảnh: RIA) |
Theo một tuyên bố của ông Denis Pushilin: “Một nhóm các nhà lập pháp đã kêu gọi Hội đồng Nhân dân tiến hành phiên họp bất thường. Tại phiên họp, 70/73 nghị sĩ đã bỏ phiếu bãi miễn chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân của ông Andrei Purgin”.
Ngay khi được bổ nhiệm, quyết định đầu tiên của Chủ tịch Pushilin là cách chức người đứng đầu bộ máy hành chính của Hội đồng Nhân dân Alexei Alexandrov với lý do thông đồng với cựu chủ tịch (người vừa bị cách chức) có gian dối trong vấn đề tài chính, từ việc quản lý tới trả lương.
3. Hungary ngày 5/9 huy động 100 xe buýt chở những người tị nạn đang “ăn chực nằm chờ” ở khu vực nhà ga đường sắt chính của Budapest, đến biên giới Áo.
Reuters đưa tin trước đó, hơn 1.000 người tị nạn đã đi bộ trên tuyến đường từ Hungari sang Viena khi nghe thông tin Aó chấp nhận cho người tị nạn vào lãnh thổ của mình.
Người tị nạn ở nhà ga Munich, Đức. (ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Áo Werner Faymann viết trên trang Facebook cá nhân: “Vì hình tình khẩn cấp tại biên giới với Hungary, Áo và Đức chấp thuận cho người tị nạn vào lãnh thổ”.
Theo ông Faymann, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho phép dòng người tị nạn vào lãnh thổ của mình bất chấp còn nhiều bất đồng trong liên minh châu Âu.
Tổ chức Chữ thập đỏ Áo nói họ dự kiến sẽ có khoảng 800-1500 người đến trung tâm tiếp nhận người tị nạn Nickelsdorf tại khu vực biên giới với Hungary chỉ trong 1 thời gian ngắn.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) hoan nghênh quyết định của Áo và Đức mở cửa biên giới đón người tị nạn từ Hungary, và mô tả quyết định trên thể hiện ý chí lãnh đạo chính trị dựa trên các giá trị nhân đạo.
4. Sáng sớm 5/9, lực lượng cảnh sát bờ biển Hy Lạp lại phát hiện một bé trai sơ sinh tử nạn sau khi bố mẹ em bé đã được đưa lên đảo Agathonisi.
Theo AFP, Hy Lạp đang phải đối mặt với hàng trăm người di cư và tị nạn vượt biển mỗi ngày từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các đảo ở phía đông Hy Lạp gồm Kos, Lesbos, Samos và Agathonisi. Hàng ngàn người vẫn đang chờ làm thủ tục để đến Athens và tiếp tục hành trình sang các nước châu Âu.
Khủng hoảng nhập cư- Hệ quả của bất công giàu nghèo
Trong diễn biến liên quan, ngày 5/9, phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz cho biết, cuộc khủng hoảng người nhập cư chưa từng có sẽ là chủ đề nóng trong chương trình nghị sự tại diễn đàn G20 của các nền kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra vào tháng 11 tới tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước chủ tịch của G20 năm nay và hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/11 tại Antalya.
5.Cảnh sát Thái Lan hôm qua cho biết đang truy lùng nghi phạm thứ 10 liên quan đến vụ đánh bom đẫm máu tại trung tâm Bangkok tháng trước.
Hiện trường vụ đánh bom Bangkok tối 17/8. |
Theo người phát ngôn cảnh sát Thái Lan Prawut Thavornsiri, nhà chức trách nước này sẽ đề nghị tòa án nhanh chóng phát lệnh truy nã đối với người đàn ông sống cùng với nghi phạm bị bắt cách đây 1 tuần, khi cảnh sát lục soát và tìm thấy nhiều vật liệu chế tạo bom tại căn phòng của họ. Quốc tịch của nghi phạm vẫn chưa được xác định.
Nghi phạm bị bắt giữ trước đó đã được đưa tới tòa án để làm thủ tục gia hạn lệnh giam giữ hôm qua. Người này bị buộc tội sở hữu chất nổ bất hợp pháp. Khi tiến hành khám xét nhà của nghi phạm, cảnh sát đã phát hiện ra một hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả trên đó ghi danh tính Adam Karadag.
Ngoài ra, cảnh sát cũng bắt giữ 1 nghi phạm khác gần biên giới với Campuchia. Đến nay quốc tịch của cả hai nghi phạm này đều chưa được xác minh.
Ngoài các đối tượng trên, Thái Lan đã ban bố lệnh truy nã 7 nghi phạm khác bị nghi có liên quan đến vụ tấn công ngày 17/8, khiến 20 người bị chết và hơn 120 người khác bị thương./.