Sau khi rời Qatar, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/1 đã tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, bắt đầu chuyến thăm đồng minh lớn nhất vùng Vịnh này trong 2 ngày. Tuy nhiên, chuyến thăm được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, để nhà Ngoại giao hàng đầu Mỹ hoàn thành sứ mệnh đề ra trước chuyến công du 1 loạt nước Trung Đông.

thekhocuangoaitruongmypompeoosaudiarabia_xrma.jpg
Ngoại trưởng Mĩ Mike Pompeo (trái). Ảnh: Reuters
Không phải ngẫu nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chọn Saudi Arabia là chặng dừng chân sau Qatar. Ngụ ý của lịch trình này cho thấy mục tiêu số 1 của nhà ngoại giao Mỹ tới vùng Vịnh lần này chính là giải quyết căng thẳng, khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 3 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), mà đứng đầu là Saudi Arabia. Từ Doha, Qatar, Ngoại trưởng Mỹ hôm qua (13/1) hi vọng, các đồng minh của Washington ở vùng Vịnh có thể đoàn kết, thống nhất 1 khối, để chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực:

“Đối với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, trong những tuyên bố của mình, tôi đã nói rõ rằng, tất cả chúng ta đều mạnh hơn nếu làm việc cùng nhau để đối phó với những khó khăn, thách thức chung của khu vực và thế giới. Tranh chấp giữa các quốc gia có mục tiêu chung là không bao giờ mang lại lợi ích bất kỳ bên nào.”

Ông Pompeo tỏ ra không hài lòng với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, vốn đã kéo dài 19 tháng qua; cho rằng nó đã diễn ra quá lâu so với những căng thẳng trước đây giữa các nước, mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Trên thực tế, hiện Qatar đã tìm được những đồng minh mới bên ngoài vùng Vịnh, còn theo quan điểm của Saudi Arabia: giải quyết khủng hoảng ngoại giao với Qatar không phải là một ưu tiên hàng đầu của nước này. Do đó, giới phân tích nhận định, Ngoại trưởng Mỹ sẽ khó có thể thay đổi được thực tế này, chỉ bằng những lời kêu gọi trên hay những lời kêu gọi tương tự như vậy trong các cuộc gặp với giới chức Saudi Arabia tới đây. Những lợi ích của các mối quan hệ “phức tạp” giữa các nước vùng Vịnh cần phải có sự “nhượng bộ” từ các bên thì cuộc khủng hoảng vùng Vịnh mới có thể được giải quyết một cách triệt để.

Ngoài ra, ông Pompeo cũng được dự đoán sẽ gặp khó khăn khi thảo luận với giới chức Saudi Arabia về cuộc chiến tại Yemen hay quá trình điều tra và xét xử vụ án giết hại nhà báo Khashoggi. Trước sức ép từ dư luận bên trong nước Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đang phải chứng tỏ việc gia tăng áp lực lên phía đồng minh Saudi Arabia để tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến tại Yemen, hay buộc đồng minh này phải rõ ràng, minh bạch hơn trong vụ giết hại nhà báo Khashoggi; để có thể hợp tác suôn sẻ với Mỹ – đặc biệt là những hợp đồng vũ khí quân sự “khổng lồ”.

Vấn đề Syria và Iran cũng sẽ là một nội dung nghị sự “quan trọng” trong chuyến thăm Riyadh lần này của Ngoại trưởng Mỹ. Vốn là “đầu tàu” trong cuộc chiến chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực, Saudi Arabia có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Mỹ bắt đầu rời khỏi Syria, để lại khoảng trống “quyền lực” vào tay Iran – quốc gia có sự ủng hộ lớn với Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad thời gian qua. Việc Mỹ rút quân ra khỏi Syria hay những bước đi hợp tác tiếp theo giữa Mỹ và Saudi Arabia, cần được giới chức 2 nước thảo luận một cách chi tiết hơn, để có thể duy trì thế đứng vững của Mỹ ở Trung Đông. Thêm vào đó, hội nghị toàn cầu bàn về Iran do Mỹ và Ba Lan lên kế hoạch đồng tổ chức tới đây, cũng rất cần những ý kiến “đóng góp” từ phía chính quyền Riyadh./.