Với 94 phiếu thuận và 3 phiếu chống, rạng sáng 30/1 (theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã chấp thuận Thượng nghị sỹ John Kerry giữ chức Ngoại trưởng trong nội các nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama. Với hơn 28 năm làm việc tại Thượng viện, ông Kerry được được đông đảo chính giới và người dân Mỹ kỳ vọng là người kế nhiệm xuất sắc của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tuy nhiên, tân Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trong 4 năm tới.

tan-ngoai-truong-my.jpg
Tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong 4 năm tới (Ảnh: Reuters)

Rất nhiều quan chức, nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như các nhà phân tích đều cho rằng ông John Kerry là sự lựa chọn đúng đắn để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ hai.

Phát biểu sau khi Thượng viện bỏ phiếu chuẩn thuận ông Kerry làm Ngoại trưởng, Thượng nghị sỹ Chuck Schumer, nhân vật số ba của đảng Dân chủ tại Thượng viện nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng thán phục công việc mà John Kerry đã làm trong nhiều giai đoạn khác nhau. Chúng tôi rất phấn khích vì ông sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ và tôi nghĩ rằng John Kerry vẫn chưa thể hiện hết những gì tinh túy nhất của ông”.

Về phần mình, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Robert Corker bày tỏ: “Thượng nghị sỹ Kerry đã dành cả cuộc đời cho các vấn đề đối ngoại, thấu hiểu lịch sử và các vấn đề về thể chế đã ràng buộc hoặc chia tách nước Mỹ với các nước khác trên thế giới. Tôi nghĩ rằng có một người như ông đại diện cho nước Mỹ sẽ là điều rất tốt”.

Với 5 nhiệm kỳ liên tiếp làm Thượng nghị sỹ liên bang, ông John Kerry đã tạo lập được uy tín trong lĩnh vực an ninh quốc gia và các vấn đề quốc tế của Mỹ. Ông từng là Chủ tịch Ủy ban về vấn đề Tù nhân chiến tranh/người Mỹ mất tích trong thực hiện nhiệm vụ (POW/MIA). Trên cương vị này, ông Kerry đã thúc đẩy hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam, qua đó góp phần xúc tiến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Từng làm việc tại Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương, ông Kerry là chuyên gia hàng đầu về chính sách của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương, Iraq, Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố, tiến trình hòa bình Trung Đông và an ninh của Israel.

Với vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông John Kerry là một đại diện ngoại giao thầm lặng nhưng vô cùng hiệu quả của chính quyền Tổng thống Obama. Ông là động lực thúc đẩy Tổng thống Obama đi đến 2 quyết định đối ngoại quan trọng là can thiệp vào Libya và ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Ai Cập, Hosni Mubarak. Ông Kerry cũng đóng vai trò mấu chốt trong một trong những thành công đáng kể nhất của Tổng thống Obama: Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước vũ khí hạt nhân mới với Nga.

Thượng nghĩ sỹ Kerry có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Obama. Trong thời gian cùng làm việc tại Thượng viện, hai ông đã hợp tác trên nhiều vấn đề, từ giải trừ quân bị cho tới các cuộc điều trần chuẩn thuận nhân sự. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống 2012, ông Kerry đã đóng vai đối thủ Mitt Romney để ông Obama tập dượt trước các cuộc tranh luận chính thức và góp phần không nhỏ vào chiến thắng của đương kim Tổng thống.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, tân Ngoại trưởng John Kerry sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Thách thức trước tiên đối với ông Kerry là vượt qua “cái bóng” quá lớn của người tiền nhiệm Hillary Clinton, vốn được Tổng thống Obama và thế giới đánh giá là Ngoại trưởng xuất sắc nhất của lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Ông Kerry phải nhanh chóng hoàn thiện bộ máy nhân sự, bởi nhiều nhân vật cốt cán trong “ê-kíp” của bà Clinton sẽ rời bỏ chức vụ. Sự chia tay đáng tiếc nhất là trường hợp Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campell, một kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược “tái cân bằng” tại châu Á-Thái Bình Dương.

Ông John Kerry cũng phải nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách như chiến lược can dự của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và chiến lược tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương, lợi ích cốt lõi của Mỹ tại Syria và các biện pháp cụ thể để hỗ trợ phe đối lập tại đây.

Dài hơi hơn, ông Kerry phải định hướng chính sách của Mỹ đối với Trung Đông-Bắc Phi và khu vực cận Sahara, chính sách đối với Nga trong đó có đàm phán về kiểm soát vũ khí cũng như chính sách đối với khu vực Tây bán cầu vốn là “sân sau” của Mỹ trong nhiều thập kỷ nhưng Washington đang đánh mất dần lợi thế./.