Theo tổ chức này, đã có sự gia tăng theo từng tháng về tần suất thực hiện các chuyến bay trinh sát của Mỹ vào tháng 5, tăng nhẹ so với con số 65 chuyến hồi tháng 4.
Tuy nhiên, con số này là một sự "gia tăng đáng kể so với con số chỉ 35 chuyến trinh sát vào cùng thời điểm năm ngoái".
Tổ chức này trước đó ghi nhận số chuyến bay trinh sát kỷ lục của Mỹ trên Biển Đông với 70 chuyến vào tháng 1 và 75 chuyến vào tháng 2.
Khi tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Curtis Wilbur của Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan vào tháng trước, đi cùng nó là một máy bay trinh sát và tuần tra chống tàu ngầm cùng 1 máy bay do thám. Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông cho rằng, chiến đấu cơ này "có lẽ hoạt động để hỗ trợ trinh sát cho tàu chiến trên".
Bắc Kinh đã gọi động thái này của Washington là "khiêu khích". Tháng trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhận định, Mỹ tăng cường các hoạt động trinh sát trên Biển Đông kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống. Theo đó, hoạt động của các tàu chiến trong những chiến dịch như vậy tăng 20% trong khi hoạt động của các chiến đấu cơ tăng 40% so với cùng thời điểm dưới thời cựu Tổng thống Trump vào năm ngoái.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội hồi tháng 4, Tổng thống Biden đã gọi quan hệ Mỹ - Trung là một cuộc chiến với những công nghệ định hình thế kỷ, đồng thời khẳng định sẽ "duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "không phải để khơi mào xung đột mà là để ngăn chặn nó"./.