2 ứng cử viên tổng thống Mỹ đã bắt đầu nối lại chiến dịch vận động tranh cử sau 3 ngày tạm hoãn do ảnh hưởng của siêu bão Sandy. Vào lúc này, ưu thế đang có phần nghiêng về phía Tổng thống Barack Obama nhờ những diễn biến đầy bất ngờ trong tuần qua.
Tổng thống Obama đã nhận được điểm số rất cao, cả trong chính giới lẫn người dân Mỹ, về khả năng ứng phó với siêu bão Sandy. Theo kết quả thăm dò vừa được công bố của Washington Post/ABC News, 79% cử tri Mỹ cho rằng ông Obama đã làm “tốt” hoặc “xuất sắc” trước, trong và sau khi cơn bão đổ bộ vào bờ Đông nước này.
Ông Obama đã chứng tỏ sự khác biệt giữa một ứng cử viên tổng thống và một tổng thống thực sự: đó là vai trò của một “tổng tư lệnh”. Và đương kim tổng thống đã đảm đương trọng trách này một cách không thể tốt hơn. Ông liên tục họp trực tuyến với lãnh đạo chính quyền địa phương và các công ty dịch vụ công để chỉ đạo công tác chống bão và khắc phục thiệt hại.
Tổng thống Obama (thứ 2, trái) và Thống đốc bang Jersey Chris Christie (ngoài cùng trái) nói chuyện với những người sống sót của cơn bão (ảnh: Reuters) |
Ông khẳng định không chấp nhận tệ quan liêu trong cứu trợ và yêu cầu tất cả các quan chức chính phủ liên bang phải có câu trả lời trong vòng 15 phút đối với tất cả các cuộc điện thoại gọi đến. Ngay sau khi bão tan, ông đã có mặt tại New Jersey, một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất để đánh giá thiệt hại và thăm hỏi các nạn nhân.
Thống đốc bang Chris Christie, một người thuộc phe Cộng hòa và từng nhiều lần chỉ trích ông Obama đã dành không ít lời tán dương cho Tổng thống đương nhiệm, gọi những gì ông làm là “xuất sắc”. Phát biểu của Thống đốc Chris Christie khiến báo giới tốn không ít giấy mực khi ông này là một nhân vật chủ chốt của phe Cộng hòa và cũng là người đọc bài diễn văn then chốt tại lễ đề cử ông Mitt Romney làm ứng cử viên tổng thống của đảng này cuối tháng 8 vừa qua.
Sau ông Chris Christie, Tổng thống Obama tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của một chính khách có tầm ảnh hưởng lớn nữa là thị trưởng New York, Michael Bloomberg.
Ngày 2/11, ông Bloomberg đã chính thức lên tiếng ủng hộ Tổng thống Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Bloomberg cho biết, bão Sandy đã khiến ông quyết định ủng hộ Tổng thống Obama, người mà ông cho là luôn đặt ưu tiên hàng đầu lên cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Bloomberg, trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Obama đã thực hiện nhiều biện pháp giảm thiểu lượng khí CO2 trong khi ứng cử viên Romney lại không nhất quán trong vấn đề này. Ông Bloomberg nói, khi nắm quyền Thống đốc bang Massachusetts năm 2003, ông Romney từng ban hành một quy định nhằm đưa lượng phát thải khí CO2 xuống thấp hơn 10% so với lượng phát thải vào năm 1992 nhưng sau đó lại hủy bỏ kế hoạch này.
Theo Thị trưởng New York, ông Romney liên tục thay đổi quan điểm trong rất nhiều vấn đề, từ người nhập cư, sở hữu súng cho đến chăm sóc y tế, và sự thiếu nhất quán như vậy không phải tố chất của một nhà lãnh đạo đất nước.
Ông Bloomberg được xem là nhân vật trung lập trong chính trường Mỹ và đã nhiều lần chỉ trích cả ứng cử viên Obama và Romney, thậm chí còn thẳng thừng từ chối đề nghị tới thị sát New York sau bão Sandy của đương kim tổng thống. Với tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cả kinh tế lẫn chính trị, ông Bloomberg luôn là mục tiêu tiếp cận của 2 ứng cử viên tổng thống.
Theo giới phân tích, quyết định của ông Bloomberg sẽ có tác động rất lớn tới lá phiếu của các cử tri độc lập theo chiều hướng có lợi cho Tổng thống Obama. Khách quan mà nói thì cơn bão Sandy đã tạo ra lợi thế cho ông Obama và đẩy ông Romney vào thế bị động. Chỉ là một ứng cử viên tổng thống và không giữ chức vụ gì trong chính quyền, ông Romney không thể làm gì hơn ngoài việc tham gia các hoạt động cứu trợ hay gây quỹ ủng hộ nạn nhân bão lụt. Trong khi đó, ông Obama cũng chỉ đơn thuần làm đúng phận sự của một Tổng thống và ông đã không bỏ lỡ cơ hội này để chứng tỏ năng lực lãnh đạo.
Tình hình kinh tế, tử huyệt trong nỗ lực tái cử của ông Obama, cũng đang ủng hộ đương kim tổng thống với một loạt tín hiệu tích cực trong tuần này. Chỉ số lòng tin người tiêu dùng tăng cao nhất trong 4 năm qua, thị trường bất động sản duy trì đà hồi phục, công nghiệp chế tạo tiếp tục tăng trưởng và thêm 171.000 người tìm được việc làm trong tháng 10 đang tạo thành một lô cốt ngăn cản “hỏa lực” của phe Cộng hòa trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử.
Tổng thống Obama cũng đang giành lợi thế trong tiến trình bầu cử sớm. Theo kết quả thăm dò sơ bộ tại một số bang có tính chất “sống còn” đối với 2 ứng cử viên, các cử tri ủng hộ phe Dân chủ đang chiếm ưu thế với khoảng cách từ 2% đến 16% tại Florida, Iowa, Nevada, Bắc Carolina và Ohio.
Bầu cử sớm là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng của ứng cử viên Obama trước đối thủ John McCain năm 2008. Trên bình diện toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với 2 ứng cử viên hầu như không khác biệt đáng kể, với khoảng cách chỉ 1% nghiêng về phía Tổng thống Obama.
Về phần mình, ứng cử viên Romney vừa bất ngờ chuyển hướng chiến dịch tranh cử sang một số bang vốn được coi là “thành trì” của phe Dân chủ với hy vọng đánh bại đối thủ ngay tại sân nhà để đảm bảo chiến thắng.
Các chiến lược gia Cộng hòa cho biết trong những ngày tới, ứng cử viên Romney sẽ tập trung vận động tại 3 bang là Pennsylvania, Michigan và Minnesota sau khi kết quả thăm dò ý kiến đang có lợi cho ông này tại đây.
Bầu cử tổng tống sẽ diễn ra vào thứ 3 tuần sau và trong một cuộc đua sít sao như hiện nay thì những diễn biến trong tuần tranh cử cuối cùng nhiều khả năng sẽ tác động đáng kể tới kết quả chung cuộc./.