Sau khi Iran và các cường quốc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào tháng trước, đang diễn ra một cuộc chạy đua kinh tế giữa các nước để có chỗ đứng trong thị trường nhiều tiềm năng. Không chỉ mang lại những cơ hội kinh tế lớn, thỏa thuận hạt nhân cũng giúp quốc gia Hồi giáo này gia tăng tiếng nói trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đại diện của Iran và nhóm P5+1. (Ảnh: AFP) |
Là một quốc gia Hồi giáo lớn trong khu vực, Iran có vai trò và ảnh hưởng đáng kể tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, tiếng nói của Iran trong các vấn đề quốc tế và khu vực thời gian qua bị hạn chế nhiều do sự phản đối của một số nước Arab Vùng Vịnh cũng như tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và các cường quốc tháng trước đã ra mở cơ hội để Iran có tiếng nói giải quyết tất cả các xung đột khu vực.
Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngày 4/8 đã đến Iran nhằm thảo luận với các quan chức Iran và Nga về cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria. Là một đồng minh quan trọng của Tổng thống Syria Bashar al Assad, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, thỏa thuận hạt nhân sẽ tạo ra triển vọng tốt hơn cho giải pháp chính trị tại Syria và Yemen- hai cuộc xung đột tồi tệ nhất tại Trung Đông hiện nay.
Quốc tế, trong đó có Mỹ, cũng thừa nhận vai trò không thể thiếu của Iran trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Iran có chung đường biên giới dài gần 1.000 km với Iraq, cũng như có ảnh hưởng khá lớn tại Syria, việc Iran gia tăng vai trò của mình sẽ giúp tăng cường sức mạnh của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS.
Chính vì vậy, Mỹ gần đây bắt đầu úp mở khả năng hợp tác với Iran trong cuộc chiến chống IS. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Frederica Mogherini cũng nhận định, hợp tác với Iran có thể giúp tìm ra giải pháp cho các cuộc xung đột, từ cuộc nội chiến Syria, chống IS trong khu vực, đến kiềm chế phong trào vũ trang Hezbollah tại Lebanon, thuyết phục Hamas hòa bình với Israel.
Bà Mogherini nói: “Với thỏa thuận này chúng ta có thể mở ra một chương mới, một nghị định khung mới cho khu vực. Nếu chúng ta ủng hộ việc giải quyết những khác biệt dựa trên sự hợp tác hơn là đối đầu và cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực và quốc tế. Tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ tạo động lực tìm ra giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng khu vực, bắt đầu từ Syria, sau đó là cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề khác”.
Không chỉ giúp gia tăng tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thỏa thuận hạt nhân cũng đang mang lại những lợi ích kinh tế đặc biệt cho Iran. Với thị trường tiêu dùng lớn lên tới 77 triệu dân, Iran sẽ là mảnh đất màu mỡ dành cho các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ và châu Âu. Chính vì vậy, cuộc đua lợi ích với Iran đã diễn ra ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân đạt được.
Hàng loạt chuyến thăm cấp cao nhất của các quan chức châu Âu đến Iran thời gian qua, với các cam kết được đưa ra cùng với kế hoạch khảo sát thị trường Iran của các doanh nghiệp châu Âu thời gian tới. Những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đang tham gia vào cuộc đua lợi ích này.
Theo dự đoán, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ và hội nhập trở lại, tốc độ tăng trưởng của Iran được kỳ vọng đạt từ 7-8%/năm. Iran hiện là nền kinh tế lớn thứ 29 trên thế giới và có thể sẽ vượt lên vị trí thứ 22 vào năm 2020.
Một trang mới mở ra cho quốc gia Hồi giáo này sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, để thỏa thuận này mang lại hiệu quả thực sự trên cả mặt trận kinh tế và ngoại giao thì điều đầu tiên và quan trọng nhất hiện nay đó là giúp thỏa thuận hạt nhân Iran – đang bế tắc tại quốc hội Mỹ, đi đúng hướng.
Riêng đối với việc giải quyết những xung đột trong khu vực, giới quan sát cho rằng, không nên quá kì vọng vào việc Iran có thể đưa ra chìa khóa cho mọi vấn đề. Bởi vì cuộc khủng hoảng Trung Đông không thể được giải quyết bởi một quốc gia, thậm chí một cường quốc mạnh như Mỹ. Thay vào đó, nó đòi hỏi sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả những nước châu Âu, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản trong một khuôn khổ đa phương./.