Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius xác nhận việc phe đối lập Syria sẽ nhóm họp tại Pháp trong tháng này. Sự việc diễn ra trong bối cảnh quân nổi dậy và quân chính phủ đều không giành được chiến thắng quyết định nào trên chiến trường.  

Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius, cho biết các nhà lãnh đạo quân nổi dậy ở Syriaa sẽ nhóm họp tại Pháp, vào ngày 28/01 tới. Trước đó, liên minh đối lập Syria đã họp tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Một động thái như vậy sẽ giúp cộng đồng quốc tế bớt lo lắng về khả năng Syria có thể  rơi vào tình trạng vô chính phủ, một khi chế độ hiện hành bị lật đổ. Phản ứng trước những diễn biến này, Bộ Ngoại giao Syria phản đối  bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan đến tương lai của Syria.

Các nhà hoạt động nhân quyền Syria hôm qua cho biết máy bay chiến đấu của quân chính phủ đã oanh kích vào một khu vực ngoại ô, hướng nam thủ đô Damaccus. Khu vực này hiện do phe nổi dậy nắm giữ. Theo Liên hợp quốc, cuộc nội chiến tại Syria đã khiến hơn 60 ngàn người thiệt mạng và con số này còn có thể tăng thêm, trong bối cảnh các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra, và chưa có bên nào giành được ưu thế trên chiến trường.

Bà Alia Brahimi, chuyên gia về Trung Đông, Trường Kinh tế London, phân tích: “Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra tại Syria không phải là không thể xảy ra. Nhưng một khi chế độ hiện hành sụp đổ, sẽ có một kịch bản xấu nhất là những vụ giết hại để trả thù. Và bạo lực giữa các cộng đồng sẽ tiếp diễn, như đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Và thế giới sẽ phải chứng kiến những tranh chấp bạo lực nội tại để giành quyền hành, nếu quân nổi dậy giành chiến thắng. Và điều diễn ra sau đó sẽ là các nước trong vùng nhập cuộc để ủng hộ người của mình”.

Đây là một kịch bản xấu, nhưng có thể xảy ra, bởi Syria hiện có nhiều phe phái, tranh chấp giữa những phe phái này sẽ không thể giải quyết một sớm, một chiều, và có thể đẩy Syria vào cuộc nội chiến khác, không biết đến khi nào kết thúc. Chuyên gia Chris Doyle, Hội đồng Hiểu biết Arab-Anh cũng bày tỏ lo ngại, nếu các bên không chấp nhận chia sẻ quyền lực, nội chiến Syria sẽ còn tiếp tục. “Nếu chế độ hiện hành sụp đổ ngay bây giờ, sẽ có một cuộc tranh chấp quyền lực lớn và khốc liệt tại Syria. Tuy nhiên nếu có một giải pháp chính trị nào đó, một tiến trình chuyển tiếp rất rõ ràng, dân chủ, Syriaa có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng đáng sợ, với vô số công việc cần làm ở phía trước”.

Vấn đề đặt ra là vai trò của Tổng thống Assad trong tình hình chính trị Syria hiện tại sẽ như thế nào, từ chức hay tiếp tục có mặt trong quá trình chuyển tiếp, nếu chế độ sụp đổ. Trong khi đó, Ali Velayati, trợ lý cấp cao của nhà lãnh đạo tối cao Iran vừa cảnh báo không nên lật đổ Tổng thống Assad, và cho rằng việc lật đổ ông Assad và chế độ hiện nay là "giới hạn đỏ". Iran thẳng thắn bày tỏ quan điểm cho rằng cải cách cần phải bắt nguồn từ ý chí của người dân Syria, không sử dụng bạo lực. Hiện tại, Iran vẫn đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế đối với kế hoạch 6 điểm của nước này, nhằm giải quyết xung đột tại Syria. Kế hoạch này kêu gọi chấm dứt bạo lực, tiến hành đàm phán giữa các bên nhằm thành lập chính phủ chuyển tiếp, nhưng không kêu gọi ông Assad từ chức./.