TheoYahoo News, thông thường, khi các Tổng thống mới của nước Mỹ nhậm chức, website của Nhà Trắng thường đề cập đến những sự thay đổi về chính sách so với người tiền nhiệm.
Website Nhà Trắng đang ca ngợi hết lời Tổng thống mới Donald Trump. Ảnh: Reuters
Ca ngợi chủ mới quá đà
Website Nhà Trắng cũng đi theo truyền thống này, tuy nhiên, phần dành cho chính sách mới của ông Trump được cho là quá ít ỏi so với phần “tiểu sử bản thân” của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, trong đó “nêu bật những thành tựu trong kinh doanh của ông cũng như việc ông là tác giả của “một cuốn sách kinh điển”. Phần “tiểu sử bản thân” này cũng không quên ca ngơi việc ông trở thành Tổng thống Mỹ là “một điều thần kì”.
Phần “tiểu sử bản thân” này nhấn mạnh: “Donald J. Trump chính là hiện thân rõ rệt nhất của sự thành công kiểu Mỹ. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã thiết lập nên những tiêu chuẩn về tài năng xuất chúng của một doanh nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực mà ông đặc biệt quan tâm như bất động sản, thể thao và giải trí.
Tương tự như vậy, khi bước vào lĩnh vực chính trị nhằm phục vụ công chúng, ông cũng thành công trong việc giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng một cách thần kỳ ngay trong lần đầu tiên tranh cử Tổng thống”.
Thông tin về ông Trump trong phần “tiểu sử bản thân” trên website của Nhà Trắng không khác gì nhiều với nội dung từng xuất hiện trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng như trên website của ủy ban chuyển giao quyền lực của ông Trump.
Những lời ca ngợi có phần quá mức của nói trên khiến các nhà bình luận báo chí theo xu hướng tự do của Mỹ cảm thấy bất an và lên tiếng cảnh báo rằng, ông Trump đang cố gắng “thần thánh hóa bản thân” kiểu như các nhà quân chủ của các quốc gia Trung Á trước đây.
Thăm CIA đầu tiên: Tổng thống Mỹ Trump muốn khép lại quá khứ thù hằn?
Nguy cơ “xung đột lợi ích” từ những lời ca tụng
Những người này cũng cho rằng, việc ca ngợi tài năng kinh doanh của ông Trump ngay trong phần “tiểu sử bản thân” trên website Nhà Trắng cũng là một cách “quảng bá ngầm” cho các khách sạn và bất động sản thuộc công ty do ông Trump điều hành trước đây.
Điều này làm dấy lên những quan ngại về việc những lời ca ngợi trên website của Nhà Trắng nói trên có thể gây xung đột lợi ích trong bối cảnh ông Trump dù đã giao quyền quản lý tất cả các tập đoàn của ông cho 2 con trai sau khi lên làm Tổng thống nhưng vẫn duy trì quyền sở hữu của ông đối với các tập đoàn này.
Dù không nêu chính xác tên của các tập đoàn hay các khách sạn trong Tổ chức của ông Trump nhưng trong phần tóm tắt về sự nghiệp của ông khi còn là nhà đầu tư bất động sản trên website Nhà Trắng vẫn tung hô: “Dấu ấn của ông Trump nhanh chóng khiến tên tuổi của ông nằm trong số những cái tên danh tiếng nhất tại Manhattan cũng như trên toàn thế giới”.
Ông Aaron Scherb- Giám đốc Luật pháp của Common Cause- một tổ chức chuyên vận động hành lang có trụ sở tại Washington từng kêu gọi ông Trump chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu đối với các tập đoàn và bất động sản của ông cho người khác nhằm tránh xung đột lợi ích khi ông lên làm Tổng thống- nhấn mạnh: “Điều này là rất đáng quan ngại, ông Trump đang cố tình “làm nhòa đi” ranh giới giữa công việc kinh doanh và việc trở thành Tổng thống của ông.
Bằng cách ca ngợi số tài sản của mình là “đáng giá nhất” trên thế giới, ông Trump muốn ngầm “nhắn nhủ” với chính phủ các quốc gia khác rằng họ “nên đầu tư hoặc đứng ra bảo trợ” cho số tài sản của ông.
Diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump: “Tôi” hay “Chúng ta”?
Barack Obama từng được xưng tụng như vậy
Tuy nhiên, không phải riêng ông Trump được hưởng “đặc quyền” được ca ngợi trong phần “tiểu sử bản thân” trên website Nhà Trắng. Bản thân Tổng thống vừa từ nhiệm Barack Obama cũng được dành cho những ca từ rất tích cực khi ông còn tại nhiệm: “Câu chuyện về ông ấy là câu chuyện của nước Mỹ- đó là những giá trị của trái tim, của việc hỗ trợ gia đình các tầng lớp trung lưu trở nên vững mạnh hơn, của sự nỗ lực làm việc và giáo dục để luôn tiến lên phía trước, của việc luôn biết phục vụ những người khác”.
Phần “tiểu sử bản thân” của ông Obama cũng “tô hồng” những thành tích nổi bật của ông như ông là Chủ tịch người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Tạp chí danh tiếng Harvard Law Review cũng như việc khi trở thành Thượng nghị sĩ bang Illinois ông “đã thành công trong việc thông qua việc cải cách đạo đức một cách sâu rộng lần đầu tiên trong 25 năm qua”.
Tuy nhiên, ngôn từ dành cho ông Obama được cho là “ít tung hô tưng bừng” và nhiều khi “quá lố” như của ông Trump. Đáng chú ý, phần “tiểu sử bản thân” của ông Trump đã gây tranh cãi gay gắt khi mô tả Tổng thống mới của Mỹ là “một tác gia đại tài” đã từng chấp bút cho “14 cuốn sách bán chạy nhất của Mỹ” trong đó, cuốn đầu tiên có tựa đề Nghệ thuật Thương thuyết được coi là cuốn sách “kinh điển trong giới kinh doanh”.
Tranh cãi về việc ai mới thực sự viết cuốn Nghệ thuật Thương thuyết nổ ra sau khi người chuyên viết diễn văn cho ông Trump, Tony Schwartz lên tiếng bác bỏ việc ông Trump nhận là người viết cuốn sách này. Chia sẻ trên Twitter của mình, ông Schwartz khẳng định: “Chính tôi là người viết lên cuốn Nghệ thuật Thương thuyết, ông Trump đơn giản chỉ chỉ là người cung cấp thông tin”./.