Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18/2 một lần nữa kêu gọi thành lập vùng cấm bay tại Syria nhằm bảo vệ dân thường khỏi các vụ không kích của quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế nhận định, do xung đột lợi ích giữa các quốc gia sẽ khiến ý tưởng này có thể thất bại ngay từ khi mới được đề xuất.
Các vụ không kích và giao tranh vẫn xảy ra hàng ngày tại Syria, với nhiều địa điểm dân cư, bệnh viện đều là mục tiêu của các vụ tấn công. Tình hình hình nhân đạo ngày một nghiêm trọng hơn tại nhiều khu vực của Syria. Trong bối cảnh đó, một số nước, trong đó có Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, liên tiếp kêu gọi thiết lập một khu vực cấm bay tại Syria.
Người dân nhận thực phẩm cứu trợ ở thị trấn Sabaa Zlam, phía tây nam ngoại ô TP Hasaka, Syria (Ảnh Reuters). |
Thủ tướng Merkel hôm 18/2 khẳng định, tình hình tại Syria hiện nay là không thể chấp nhận được và một thỏa thuận về vùng cấm bay giữa lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang tại Syria sẽ giúp bảo vệ dân thường và thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria.
Bà Merkel nhấn mạnh: “Sẽ là hữu ích khi có một khu vực tại Syria mà không có bên nào có thể thực hiện các vụ tấn công. Chúng ta không thể đàm phán với nhóm IS nhưng chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận giữa chính phủ Syria và lực lượng chống chính phủ về một khu vực cấm bay như khu vực an toàn cho nhiều người tị nạn. Khi đó có thể giúp cứu sống nhiều mạng người và giúp thúc đẩy tiến trình chính trị về tương lai của Syria”.
Trong bối cảnh bạo lực gia tăng tại Syria, lời kêu gọi của Thủ tướng Đức được cho là có thể giúp bảo vệ mạng sống của hàng nghìn người dân Syria. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với xung đột lợi ích giữa các bên liên quan sẽ khiến giấc mơ về vùng cấm bay tại Syria khó trở thành hiện thực. Thực tế đây không phải là lần đầu tiên đề xuất thành lập vùng cấm bay được đưa ra trong cuộc xung đột tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước trong khu vực đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, Nga và Mỹ đều không mấy mặn mà dù lí do của họ đưa ra hoàn toàn khác nhau.
Phản ứng trước đề xuất lập vùng cấm bay, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, không thể thành lập vùng cấm bay mà không có thỏa thuận với chính phủ Syria và các quyết định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, chính phủ Syria ngay lập tức bác bỏ đề xuất và coi quyết định này vi phạm chủ quyền của Syria, đi ngược với luật quốc tế. Còn Mỹ dù tích cực thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Syriavà nhóm đối lập, nhưng lo ngại việc thiết lập vùng cấm bay có thể ảnh hưởng đến chiến dịch của Mỹ chống IS tại Syria.
Mặc dù quốc tế đang bị chia rẽ về đề xuất này, nhưng Nga và Mỹ cũng có cơ sở để khẳng định hai bên vẫn đang thúc đẩy nỗ lực mang lại hòa bình và sự an toàn cho người dân Syria. Nga và Mỹ cho biết đang đẩy mạnh việc thực hiện thỏa thuận đã đạt được tại Munich tuần trước về lệnh ngừng bắn tại Syria cũng như ưu tiên cho các hoạt động nhân đạo. Các quan chức quân đội Nga và Mỹ hôm nay (19/2) tham gia cuộc họp đầu tiên để thảo luận về việc thực hiện lệnh ngừng bắn tại Syria.
Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook cho biết, hai bên cũng đang hợp tác để tránh đụng độ trong chiến dịch quân sự tại Syria: “Mỹ đã thông báo cho phía Nga khu vực mà lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hoạt động tại phía bắc Syria để bảo vệ sự an toàn của các binh lính Mỹ. Chúng tôi đang đưa ra các bước đi có thể để bảo vệ sự an toàn cho quân đội Mỹ cũng như duy trì an ninh cho các hoạt động chung tại đây”.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, kể cả khi đạt được sự đồng thuận về một vùng cấm bay tại Syria thì mục tiêu cao cả là bảo vệ dân thường cũng khó có thể được thực hiện. Những người tị nạn Syria gần khu vực chiến sự sẽ phải đối mặt với các nguy cơ từ chính những nhóm vũ trang và khủng bố tại Syria, đặc biệt là IS.
Chuyên gia phân tích Anh về vấn đề Syria Tim Eaton lấy ví dụ về thị trấn Srebrenica của Bosnia - nơi có hơn 7.000 người Hồi giáo bị thảm sát năm 1995. Theo ông Eaton, đã có một vùng cấm bay tại đây nhưng cũng không ngăn chặn được một thảm họa nhân đạo trong khu vực./.