Sau nhiều tháng bế tắc, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thiết lập một trung tâm tác chiến chung để điều phối các nỗ lực nhằm tạo vùng an toàn dọc biên giới Đông Bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn khu vực này nằm trong sự kiểm soát của các phiến quân người Kurd tại Syria, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS của Mỹ ở Syria.
Phần lớn khu vực Đông Bắc Syria nằm trong sự kiểm soát của lực lượng người Kurd. Ảnh: AP |
Trong mấy năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai 2 chiến dịch quân sự vào khu vực Đông Bắc Syria do các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị chiến dịch thứ 3 vào khu vực này, nơi có hàng trăm binh sỹ Mỹ đang đồn trú, để đẩy lùi YPG khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Với thỏa thuận đạt được ngày 7/8, một điểm chính trong bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dường đã được giải quyết. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những bất đồng khác sẽ lại nhen nhóm lên. Để bất cứ thỏa thuận nào ở Đông Bắc Syria có hiệu quả, nó sẽ phải đem lại một giải pháp ổn định cho lợi ích an ninh của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ và giải quyết được những mối lo ngại của người Kurd. Nhưng thỏa thuận hiện nay lại không giải quyết được các vấn đề nêu trên.
Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa nêu các chi tiết chính của thỏa thuận về vùng an toàn, như: ai sẽ kiểm soát vùng an toàn và nó sẽ trải dài trong phạm vi nào trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng, Mỹ đang tới gần hơn với quan điểm của Ankara về vùng an toàn ở Đông Bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay thúc đẩy về một vùng an toàn ít nhất 32km để có thể đẩy lùi YPG và muốn một mình kiểm soát khu vực. Nếu yếu tố này thực sự là “thông số” của một vùng an toàn được đề xuất giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, thì nó sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều vấn đề cho tất cả các bên liên quan.
Châm ngòi cho những xung đột trong tương lai
Các vùng an toàn thường được thiết lập một cách trung tính, phi quân sự và tập trung vào các mục đích nhân đạo nhằm bảo vệ người dân ở các khu vực xung đột.
Ankara lâu nay luôn nói rằng, sự hiện diện của các lực lượng người Kurd trong khu vực dấy lên mối đe dọa an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích đáng kể trong việc đảm bảo khu vực dọc biên giới sẽ không bị sử dụng như một bàn đạp cho cuộc tấn công nhằm vào các công dân nước này.
Tuy nhiên, việc áp đặt một vùng an toàn sâu 32km phía đông sông Euphrates sẽ có tác động ngược lại, và nhiều khả năng sẽ khiến 90% người Kurd ở Syria mất nhà ở. Điều này sẽ làm tệ thêm tình hình nhân đạo vốn đã cực kỳ khó khăn ở đây, đồng thời khiến xung đột có thể gia tăng tới mức cần phải gia tăng việc triển khai các lực lượng quân sự.
Bên cạnh đó, một vùng an toàn như vậy sẽ tổn hại tới các lợi ích của Mỹ. Các lực lượng người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn là yếu tố chiến đấu hiệu quả nhất ở Syria trong cuộc chiến chống lại IS. Sự hiện diện của họ thúc đẩy sự ổn định ở Đông Bắc Syria – yếu tố chủ chốt để ngăn chặn sự trỗi dậy của IS. Tuy nhiên việc thực hiện một vùng an toàn theo ý của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ khiến các lực lượng người Kurd bị gạt sang một bên, từ đó khiến những nỗ lực ngăn chặn IS của Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Người dân Đông Bắc Syria sẽ lợi ích đáng kể nếu vùng an toàn được thiết lập, như sự khôi phục sau nhiều năm giao tranh, được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công và một cơ hội được sống trong hòa bình. Nhưng nếu khiến những người Kurd bị mất nhà ở, thì nó không chỉ phủ nhận những quyền lợi của họ mà còn tạo nguy cơ về xung đột trong tương lai.
Không phải vùng an toàn mà là cơ chế an ninh bền vững
Điều cần thiết ở Đông Bắc Syria không phải là một vùng an toàn, mà là một cơ chế an ninh bền vững giải quyết được những lo ngại cụ thể của tất cả các bên liên quan và tạo một cấu trúc có thể giám sát và kiểm soát các chiến dịch an ninh đồng thời tạo điều kiện liên lạc giữa tất cả các bên. Tất nhiên sẽ không có ai hoàn toàn hài lòng với một sự dàn xếp như vậy, nhưng đây là cách duy nhất có hiệu quả.
Sự dàn xếp này cần phải bao gồm cả việc Các lực lượng người Kurd trong khu vực cho phép tiến hành các chiến dịch tuần tra chung, rút vũ khí hạn nặng khỏi khu vực biên giới và xóa bỏ các tiền đồn dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần phải kiềm chế và hợp tác chặt chẽ hơn với liên minh do Mỹ dẫn đầu về các cuộc tuần tra, giám sát chung, cũng như triển khai nhân sự tại các chốt kiểm tra ở những điểm trọng yếu ở biên giới.
Mỹ và liên minh quốc tế chống khủng bố cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình và phải là một đối tác đáng tin cậy để đảm bảo lợi ích của các bên một cách cân bằng.
Sẽ có vô số các vấn đề được giải quyết, trong đó có sự hồi hương của những người Syria hiện đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trước tiên cần phải có một cơ chế an ninh được nhất trí trong khu vực.
Syria đã có cơ chế an toàn ở Manbij, và Al Tanf, nơi mà liên minh của Mỹ đã phối hợp với Nga để đảm bảo phân phối hàng viện trợ an toàn tới các khu trại tị nạn. Không cơ chế nào trong những cơ chế an toàn ở Syria là hoàn hảo, nhưng chúng đều đang được thực thi và đang tạo ra một môi trường an ninh và ổn định để theo đuổi các giải pháp chính trị lâu dài bằng con đường ngoại giao./.