“Cơn địa chấn” làm đảo lộn trật tự Trung Đông

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi là một trong những vấn đề nóng của khu vực Trung Đông trong năm 2018. Vụ việc đã trở thành cơn địa chấn với căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cũng như gây đau đầu cho các chính phủ phương Tây, vốn đã gắn bó với liên minh kinh tế và chính trị với Saudi Arabia trong một thời gian dài.

vunhabaokhashoggicondiachanlamchaodaotrungdong_zcrk.jpg
Vụ nhà báo Khashoggi là 1 trong những sự kiện “nóng” năm 2018 không chỉ đảo lộn trật tự Trung Đông mà còn là phép thử cho quan hệ Mỹ-Saudi Arabia. Ảnh: Reuters
Như diễn biến của vụ việc, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thái tử Saudi Arabia đang chơi trò “mèo vờn chuột”. Ông Erdogan dường như biết nhiều hơn những gì ông đã tuyên bố rất nhiều, nhưng việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biết các thông tin đến mức độ nào vẫn là một câu hỏi. Ông Erdogan tìm cách kéo dài cuộc khủng hoảng, đồng thời duy trì trạng thái kịch tính bởi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đều có tham vọng đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn ở Trung Đông. Sự cạnh tranh này dẫn đến sự không tương thích về lợi ích của hai nước và do đó ông Erdogan dự định sẽ tận dụng những khó khăn tối đa có thể mà Thái tử Saudi Arabia phải đối mặt. Đối với ông Erdogan, cuộc khủng hoảng này giúp tăng cường vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ và có lẽ giúp nước này mở đường để cải thiện mối quan hệ với Washington.

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn là vụ việc còn được cho là nằm ngoài kịch bản của chính quyền non trẻ do Thái tử Mohammed bin Salman nắm quyền – một người được cho là “liều lĩnh”. Cuộc khủng hoảng xảy ra trong bối cảnh Saudi Arabia đang có những chia rẽ nội bộ, đối mặt với hồ sơ cuộc chiến ở Yemen, áp lực quốc tế, phản ứng thù địch với Canada, cắt đứt quan hệ với Qatar và giam giữ Thủ tướng Lebanon Saad Hariri. Nhiều nước và dư luận cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm về vụ việc này và điều đó đang làm lung lay ngôi vị của ông. Theo các chuyên gia, "tiếng xấu đã theo Saudi Arabia trong một số vấn đề địa phương, khu vực và quốc tế kể từ khi Bin Salman lên nắm quyền, đồng thời đẩy vụ kiện sát hại Khashoggi lên cao trào”.

Bên cạnh đó, sự việc còn khiến cho Saudi Arabia phải đối mặt với áp lực quốc tế từ các nước phương Tây và thậm chí cả sự giận dữ từ đồng minh Mỹ. Theo quan điểm của Washington, các chính sách của bin Salman tạo ra sự đối lập với sự ổn định. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì chính quyền Donald Trump đã đặt tất cả “trứng” (chính sách) vào “giỏ” của Bin Salman. Sự việc cũng khiến cho các nước phương Tây bộc lộ những bất đồng trong nội bộ và trong chính quan hệ với Saudi Arabia. Đức là nước duy nhất quyết định đóng băng việc bán vũ khí cho Saudi Arabia.

“Trụ cột Trung Đông” Saudi Arabia chao đảo?

Cái chết của nhà báo Khashoggi không chỉ khiến chính quyền Saudi Arabia chao đảo mà còn tác động tiêu cực đến toàn khu vực Trung Đông với các mối quan hệ vốn đã vô cùng phức tạp. Vụ việc đã căng thẳng đến mức một số thông tin tiết lộ rằng việc thay thế Thái tử Mohammed bin Salman chỉ tính bằng ngày. Nhiều bài báo phân tích cho rằng vụ việc đã ngoài dự tính và không đơn giản như thông tin ban đầu là sự mất tích hoặc chết do xô xát.

Với chính quyền Saudi Arabia, cái chết của nhà báo Khashoggi đã bộc lộ một số bất đồng trong nội bộ hoàng gia. Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz, anh trai của Thái tử Salman đã trở về nước sau nhiều năm cư trú ở nước ngoài, được cho có thể là để thế ngôi. Tuy nhiên, thông tin này bị bác bỏ và cho rằng sự trở lại như vậy là nhằm đóng góp vào cách quản lý giai đoạn quan trọng này. Các nhà quan sát cho rằng nếu thay đổi lãnh đạo sẽ không có lợi cho Saudi Arabia và có thể sẽ tạo ra một cuộc tranh cãi nội bộ. Nhiều quan điểm đưa ra khả năng về việc bổ nhiệm một "người giám hộ" chịu trách nhiệm cho Thái tử nhằm theo dõi các chính sách và hạn chế quyền hạn của ông.

Trên bình diện khu vực, vụ sát hại nhà báo Khashoggi khiến cho tình hình khu vực vốn đang "nóng" và phức tạp lại thêm phức tạp hơn. Bởi Saudi Arabia có một vai trò, vị trí quan trọng cũng như có những ảnh hưởng lớn tới các vấn đề của khu vực. Khủng hoảng trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi khiến cuộc khủng hoảng vùng Vịnh tiếp tục bế tắc, cuộc chiến ở Yemen vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine tiếp tục đổ vỡ, nội chiến Syria, xung đột ở Lybia vẫn căng thẳng... Tuy nhiên, với nguồn dầu mỏ lớn nhất thế giới, với những ảnh hưởng địa chính trị không thể được thay thế trong khu vực và ảnh hưởng tôn giáo, Saudi Arabia vẫn là một trụ cột quan trọng then chốt. Điều đó có thể thấy trong phản ứng của các đồng minh khu vực và quốc tế như Mỹ.

“Phép thử” chính sách đối ngoại của Mỹ với Saudi Arabia

Không chỉ ảnh hưởng đến các trục quan hệ tại Trung Đông, cái chết của nhà báo Khashoggi còn tác động đến chính sách Trung Đông của Mỹ - một đồng minh thân cận của Saudi Arabia bởi Thái tử Saudi Arabia Bin Salman với những quan điểm cải cách táo bạo vốn được cho nhân tố chính thúc đẩy chiến lược Trung Đông mới của ông Trump.

Cái chết của nhà báo Khashoggi ít nhiều ảnh hưởng tới các chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông. Theo cựu đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro, cái chết của Khashoggi làm phức tạp mọi thứ và sẽ làm hoãn nhiều kế hoạch của Tổng thống Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã phá hoại sự ổn định ở Trung Đông và Mỹ sẽ có những hành động tiếp theo với những người có trách nhiệm.

Theo các nhà phân tích, vụ việc đã khiến chính quyền Tổng thống Trump phải hoãn tiết lộ kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine trong một thời gian dài hơn bởi Thái tử Mohammed bin Salman đóng vai trò nòng cốt trong kế hoạch này. Thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có một chiến lược nhằm kiềm chế sức mạnh của Iran ở Trung Đông bằng cách thành lập một liên minh an ninh từ các đồng minh Arab gọi là  "NATO Arab", nhưng trước cái chết của nhà báo Khashoggi, kế hoạch này hiện phải đối mặt với những phức tạp mới và cản trở việc thành lập liên minh được đề xuất bởi Riyadh năm 2017.

Thứ ba, Thái tử Bin Salman là người mà chính quyền Mỹ cho là đã thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế và đưa ra những thỏa thuận hấp dẫn cho các công ty Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Saudi Arabia là quốc gia đầu tiên ông Trump đặt chân đến thăm khi trở thành Tổng thống. Thứ tư, mối quan hệ bền chặt giữa Thái tử Bin Salman và ông Jared Kushner -  con rể của Tổng thống Donald Trump trong ý tưởng vẽ lại địa chính trị ở Trung Đông hiện vẫn còn dang dở.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã cân nhắc mọi phản ứng đối với đồng minh chiến lược ở Trung Đông nhằm cân bằng lợi ích và giá trị. Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh vai trò của Riyadh như một đồng minh khi đối mặt với Iran và phiến quân, ngoài việc là người mua vũ khí lớn của Mỹ. Trước hết, Saudi Arabia vẫn là bạn hàng mua vũ khí của Mỹ. Bởi bán vũ khí là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ cấu trúc lâu dài giữa Mỹ và Saudi Arabia dựa trên nhận thức chung về tầm quan trọng chiến lược của khu vực và niềm tin chung về tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định.

Thứ hai, dầu mỏ là trung tâm của mối quan hệ này. Thứ ba, Saudi Arabia là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Thứ tư, quốc gia này cũng là một đồng minh quan trọng trong nỗ lực cô lập Iran. Đây là những lý do tại sao chính quyền Donald Trump không muốn làm to chuyện vụ nhà báo Khashoggi.

Hơn nữa, Mỹ không thể bỏ rơi Saudi Arabia vì vụ việc này bởi sẽ có các nước khác sẵn sàng thay Mỹ thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia để tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông như Nga, Trung Quốc. Ngoài ra, Saudi Arabia còn là nhà đầu tư lớn vào Mỹ lên tới hàng trăm tỷ USD. Chính Tổng thống Mỹ cũng khẳng định rằng lợi ích tài chính trong tương lai của Saudi Arabia không ảnh hưởng đến quyết định chính trị của nước này./.