TheoCSM, vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được các chuyên gia đánh giá là một bước tiến rất lớn trong việc phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đe dọa đến lãnh thổ Mỹ.
Ông Trump kiềm chế một cách bất thường
Dù vậy, ngay sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa, Tổng thống Mỹ vẫn hành xử một cách hết sức kiềm chế. Ông Trump không lên Twitter viết những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cũng không nhắc lại cam kết trước đó rằng, Triều Tiên sẽ không thể phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Thay vì thế, phản ứng ban đầu của ông Trump chỉ đơn thuần là cam kết sẽ sát cánh cùng Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe và ủng hộ “100%” đối với mọi biện pháp đối phó của Nhật Bản sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Dù sau đó ông Trump có “đổi giọng” và đe dọa “mạnh tay xử lý” Triều Tiên nhưng cho đến này, động thái duy nhất mà chính quyền Mỹ đưa ra sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên mới chỉ dừng ở mức “theo dõi sát sao vụ phóng tên lửa nói trên” thay vì có những hành động cụ thể”.
Theo các chuyên gia, điều này có lẽ là bởi, nhóm cố vấn của ông Trump đang “vò đầu bứt tai” tìm kiếm những giải pháp để đáp trả Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt về kinh tế và việc răn đe bằng quân sự của các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã không khiến giới lãnh đạo Triều Tiên “chùn bước”.
“Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng”, ông Thomas Karako, chuyên gia nghiên cứu tại Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Hiện vẫn chưa rõ tác động của vấn đề này trong ngắn hạn sâu rộng đến đâu”.
Toàn cảnh vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo
Bước tiến lớn về công nghệ của Triều Tiên
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên gây chú ý không phải về việc quả tên lửa này có được phóng thành công hay không bởi quả tên lửa nói trên chỉ bay được khoảng 500km trước khi lao xuống biển.
Quan trọng hơn, quả tên lửa được Triều Tiên phóng lần này sử dụng nhiên liệu rắn. Truyền thông Triều Tiên cũng tuyên bố rằng, nhiên liệu rắn sử dụng trong quả trên lửa nói trên là một “biến thể” của nhiên liệu rắn sử dụng trong một quả tên lửa được phóng từ tàu ngầm.
Quân đội Hàn Quốc cũng ra tuyên bố xác nhận thông tin từ phía Triều Tiên và các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, loại nhiên liệu mà Triều Tiên sử dụng lần này “giống với” loại nhiên liệu mà nước này sử dụng trong vụ phóng tên lửa KN-11 từ tàu ngầm.
Nhiên liệu rắn được cho là “bước tiến về công nghệ rất lớn so với nhiên liệu lỏng” do loại nhiên liệu này giúp phóng tên lửa trong thời gian ngắn hơn và tên lửa có thể phóng được từ nhiều loại bệ phóng hơn. Điều này khiến các vệ tinh do thám của Mỹ khó có thể phát hiện được vị trí của các quả tên lửa này để đánh chặn.
Ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân tại Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury nhận định: “Triều Tiên đang chuyển sang sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn, loại tên lửa nguy hiểm hơn nhiều so với các loại tên lửa nhiên liệu lỏng như Scud, Nodong và Musudan”.
Hiện các quả tên lửa của Triều Tiên mới chỉ bắn được đến lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc và tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên nếu được nâng cấp có thể tấn công vào binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại đảo Guam.
Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiên liệu rắn, Triều Tiên hoàn toàn có thể nhanh chóng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và khiến các mục tiêu trên khắp nước Mỹ rơi vào vòng nguy hiểm. “Triều Tiên có thể đang nghiên cứu phát triển từng phần của các loại tên lửa tầm xa hơn”, ông Karako nhận định.
Theo ông Karako, sự “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ đối với Triều Tiên giờ đã cạn kiệt. Mỹ có thể sẽ đẩy nhanh kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao chiến lược THAAD đến Hàn Quốc bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ đã tính đến khả năng tấn công vào các bệ phóng tên lửa cũng như các sở chỉ huy và điều phối quân sự của Triều Tiên trong trường hợp họ không thể “răn đe” được Triều Tiên.
Triều Tiên cảnh báo Mỹ về hậu quả “ngoài sức tưởng tượng”
Ông Trump không có nhiều lựa chọn
Dù các quan chức dưới trướng của ông Trump tỏ ra quyết liệt trong việc đối phó với Triều Tiên hơn so với các quan chức dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng hiện vẫn chưa rõ họ sẽ hành xử ra sao.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tìm cách cô lập hơn nữa về kinh tế đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này không có nhiều ý nghĩa bởi Triều Tiên vốn đã là bị cô lập khá nhiều.
Một lựa chọn khác đối với Mỹ là áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và tập đoàn của Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố sẽ gây sức ép với Trung Quốc để ngăn chặn tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không chấp nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ nhất là trong bối cảnh ông Trump từng tuyên bố Trung Quốc “lợi dụng” Mỹ trong vấn đề thương mại, “cướp” công ăn việc làm của người Mỹ và “lũng đoạn tiền tệ thế giới”.
Sẽ rất khó để ông Trump nhận được sự hợp tác của Trung Quốc nhất là nếu ông Trump định áp đặt thuế thật nặng đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ như ông từng đe dọa.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhấn mạnh, sẽ là vô nghĩa nếu Mỹ tiếp tục các lệnh trừng phạt và các biện pháp khác nhằm vào Triều Tiên mà không thèm đếm xỉa đến các vấn đề an ninh của Triều Tiên”. Tờ báo này khẳng định: “Những mối đe dọa về quân sự của Triều Tiên là hoàn toàn có thực”./.