Cho đến nay, nước Pháp đã hứng chịu 7 cuộc tấn công khủng bố làm 140 người thiệt mạng.  Bà Ronja Kempin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Những Vấn đề Quốc tế và An toàn Đức (SWP) và nhà khoa học về khoa học chính trị Pháp, đã chia sẻ những nhận định của mình về tình hình khủng bố tại Pháp nói chung và cuộc khủng bố đẫm máu tại Nice vào ngày 14/7 nói riêng.

kung_bo_o_phap_ifsh.jpg
Cuộc khủng bố đẫm máu ở Nice mới đây. ảnh: Reuters
Tại sao nước Pháp thường xuyên là tâm điểm của khủng bố?

Theo bà Kempin, có nhiều lý do đan xen khiến nước Pháp trở nên dễ bị khủng bố đến vậy.

Trước hết, Pháp là một trong các nước châu Âu đã tham gia sâu vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Pháp vẫn tiếp tục tham gia ném bom xuống các vị trí căn cứ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq.

Trên thực tế, nhiều nước khác cũng hỗ trợ tích cực cho mặt trận chống khủng bố Hồi giáo như Anh và Mỹ. Song nếu so với cường quốc này, Pháp là địa điểm dễ tiếp cận hơn về mặt địa lý so với so với quốc đảo như Vương quốc Anh. Những kẻ khủng bố bị cực đoan hoá tại Bắc Phi, vùng Sahel, Syria và Iraq tại Trung Đông, sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc xâm nhập vào Mỹ so với Pháp.

Thứ hai, chúng ta không nên xem nhẹ lịch sử quá khứ thuộc địa của Pháp. Pháp có một cộng đồng Hồi giáo lớn gồm những người có hai quốc tịch: Pháp và quốc tịch nước xuất xứ. Do vậy, các nhà chức trách Pháp khó có thể theo dõi những công dân đang bị cực đoan hoá  vì những người này có thể dễ dàng nhập cảnh và xuất cảnh khỏi Pháp mà không cần hộ chiếu Pháp. Họ không cần visa ở lại Pháp nếu là người Syria, Tunisia, và Angeria.

Thứ ba, có nhiều lý do bộc phát chính trong lòng nước Pháp. Pháp là một dân tộc tự do, phi tôn giáo nên hoàn toàn tách biệt vấn đề tôn giáo khỏi phạm trù nhà nước. Nước Pháp không cảm thấy có trách nhiệm về những vấn đề tôn giáo. Điều đó có nghĩa là Pháp không để mắt đến những gì diễn ra trong các cộng đồng Hồi giáo, nơi những quá trình cực đoan hoá trước đây không nằm trong sự quan tâm của nhà nước đơn giản vì chính phủ Pháp cảm thấy không có trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến tôn giáo.

Thứ tư, Pháp là nước có tỉ lệ thất nghiệp cao. Gần 10% dân số không có việc làm. Đây là vấn đề nghiêm trọng khi xét đến thực tế là 46% thanh niên nhập cư Pháp thất nghiệp và không có tương lai. Xét về khía cạnh này, nguy cơ cực đoan hoá nằm chính trong nước Pháp.

Cuối cùng là sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo Pháp vẫn còn nhiều bất cập như trước đây. Các cơ quan tình báo Pháp chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau. Những lỗ hổng thông tin thường xuất hiện và đồng thời các chính trị gia chưa tìm ra được phương cách để nâng cao hợp tác giữa các cơ quan khác nhau. Như chúng ta có thể thấy, các lỗ hổng này thường dẫn đến các hậu quả tang thương cho đất nước và nhân dân Pháp.

Tại sao cuộc khủng bố tại Nice lại rơi đúng vào ngày 14/7?

Chuyên gia Kempin cho biết, trước hết đây là một ngày có ý nghĩa tượng trưng vì là ngày quốc khánh Pháp, khi nhân dân Pháp kỷ niệm các giá trị của nền cộng hoà. Tự do, bình đẳng, bác ái là kết quả thắng lợi của ngày 14/7/1789. Với cuộc cách mạng Pháp, nước Pháp hãnh diện là mảnh đất của tự do và nhân quyền. Bằng hành động tiến hành tấn công khủng bố vào ngày có ý nghĩa trọng đại này, thông điệp những kẻ khủng bố muốn đưa ra là chúng không chia sẻ các giá trị của Công hoà Pháp mà chống lại các giá trị này bằng các hành động tấn công khủng bố. Đây là một đòn chí mạng vào tất cả những gì nước Pháp ủng hộ trên trường quốc tế và trong nước.

Thứ hai, trong bài diễn văn truyền thống nhân ngày lễ quốc khánh vào buổi sáng ngày 14/7, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố tình hình khủng bố đã được kiểm soát tốt hơn nhiều.  Và nếu cuộc khủng bố tại Nice đúng xuất phát do Đạo Hồi, thì đây sẽ là một tín hiệu rõ ràng của các kẻ khủng bố hồi giáo ám chỉ rằng chúng sẽ không dễ dàng bị chế ngự.

Về quy mô đáp trả từ phía Pháp, bà Kempin cho hay chính phủ Pháp tuyên bố Pháp sẽ tăng cường các hành động trừng phạt tại Iraq và Syria. Trên thực tế, kể từ sau cuộc khủng bố diễn ra vào tháng 11/2015, Pháp đã cử trên 10.000 binh sỹ và nhân viên quân đội tham gia cuộc đấu tranh chống khủng bố quốc tế. Vì vậy, theo bà Kempin, chính phủ Pháp khó có thể tăng cường sự tham gia quân sự thêm nữa ở khu vực này./.