TheoAFP, nhận định trên được Phó Trợ lý Giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Triều Tiên thuộc CIA Yong Suk Lee đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump và các quan chức hàng đầu của Mỹ liên tục đưa ra tuyên bố cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên là “một kẻ khá điên rồ”.
Quan chức Mỹ đang hiểu sai về Kim Jong-un?
Tuy nhiên, ông Yong Suk Lee cho rằng, hành động “mang nặng tính khiêu khích và tưởng như thiếu sự cân nhắc” của ông Kim Jong-un lại cho thấy ông là “một nhà lãnh đạo biết suy xét”.
Theo ông Yong Suk Lee, mục tiêu hàng đầu của nhà lãnh đạo Triều Tiên là đảm bảo sự tồn tại lâu dài cho chế độ của ông. “Bất kỳ hành động nào của ông Kim Jong-un cũng đều có mục đích rõ ràng”, ông Yong Suk Lee khẳng định.
“Việc thức dậy vào một buổi sáng và quyết định rằng ông ấy muốn tấn công hạt nhân Los Angeles không phải là điều ông Kim Jong-un thực sự muốn thực hiện. Ông ấy muốn nắm quyền lâu dài tại Triều Tiên và không muốn gây xung đột với Mỹ”, ông Yong Suk Lee nói.
Tuy nhiên, theo ông Yong Suk Lee, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn phát triển vũ khí hạt nhân tầm xa lại xung đột với ưu tiên hàng đầu về an ninh của Mỹ và các đồng minh trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thực hiện thành công các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Ông Michael Collins, một Phó Trợ lý Giám đốc khác của Trung tâm Sứ mệnh Triều Tiên, nhận định: “Rõ ràng là Triều Tiên đang thử thách sự kiên nhẫn của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Mỗi lần Triều Tiên gây căng thẳng, họ lại khiến Mỹ và các nước khác buộc phải suy tính về việc có nên tiếp tục nhượng bộ hay không?
Cho đến thời điểm này, có vẻ như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không “chùn bước” trước những lời đe dọa của Mỹ bất chấp việc chính Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Mỹ sẽ hủy diệt Triều Tiên nếu cần thiết”. Tuy nhiên ông Yong Suk Lee khẳng định: “Người cuối cùng muốn xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên chính là ông Kim Jong-un”.
Ông Yong Suk Lee cho rằng, các quan chức CIA, các nhà ngoại giao và các nhà lập pháp Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ Triều Tiên cần hiểu rõ hơn về ông Kim Jong-un để tránh khả năng xung đột quân sự bùng nổ gây ra những hệ lụy khôn lường.
Nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân Tokyo và Seoul, 2 triệu người sẽ chết
Chưa có một chiến lược rõ ràng về Triều Tiên
Theo các chuyên gia, cho đến thời điểm này, giới chức Mỹ đang có những động thái “hết sức trái ngược” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định Mỹ vẫn đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên thì Tổng thống Donald Trump và các quan chức khác lại công khai đề cập đến các giải pháp quân sự.
Mới đây nhất, ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, “chúng ta sẽ làm những gì cần phải làm” để ngăn chặn hoàn toàn mối đe dọa từ Triều Tiên.
“Chúng ta không thể để Triều tiên đe dọa Mỹ hoặc các đồng minh rằng sẽ gây ra những tổn thất không thể tưởng tượng nổi về con người. Chúng ta sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để ngăn chặn điều đó xảy ra. Vấn đề Triều Tiên sẽ phải được giải quyết. Hãy tin tôi”, ông Trump tuyên bố trước các tướng lĩnh hàng đầu tại Nhà Trắng.
Chính những tuyên bố có phần “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi về việc liệu giới chức Mỹ đã có được một chiến lược thực sự đối với Triều Tiên hay chưa?
Mỹ tái khẳng định không đối thoại với Triều Tiên
Vai trò của Trung Quốc đang bị thổi phồng?
Theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với Triều Tiên, tuy nhiên, việc Trung Quốc sẽ gây sức ép như thế nào đối với Triều Tiên lại hoàn toàn phụ thuộc vào những tính toán về lợi ích chiến lược của nước này trong mối quan hệ với Mỹ.
“Chiến lược của Trung Quốc là chờ đợi phản ứng của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên để quyết định cách hành xử của mình”, ông Yong Suk Lee nói và cho rằng, vào thời điểm này, giới chức Mỹ cần cho cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thấy Mỹ “đã sẵn sàng cho mọi phương án, kể cả quân sự” đối với Triều Tiên bằng cách phô diễn sức mạnh quân sự của mình.
Trong khi đó, theo ông Collins, cộng đồng tình báo Mỹ hiện vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu Triều Tiên sẽ thể hiện sự cứng rắn của mình đến đâu và liệu Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào nếu Triều Tiên tiếp tục gia tăng những động thái khiêu khích.
Dù vậy, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn cho rằng, ít có khả năng Triều Tiên muốn gây chiến với Mỹ và hoặc các đồng minh như Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới chức CIA bày tỏ quan ngại về khả năng xung đột Hàn-Triều có thể nổ ra do tính toán sai lầm giữa các bên. “Hải quân Hàn-Triều đang đối mặt với nhau hàng ngày và nguy cơ xảy ra xung đột có thể trở thành hiện thực bất kỳ lúc nào”, ông Yong Suk Lee cảnh báo.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ DeTrani, người từng tham gia vòng đàm phán 6 bên về Triều Tiên, lại lo ngại về khả năng Triều Tiên có thể phóng tên lửa tấn công Mỹ buộc Mỹ phải bắn hạ dẫn đến chiến tranh dù chính ông thừa nhận điều này cực kỳ khó xảy ra. Tuy nhiên, ông DeTrani cảnh báo: “Triều Tiên có xu hướng trở nên hết sức khó lường khi bị dồn đến chân tường”./.
Chuyên gia Anh: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên là một khả năng thực sự