Tiếp tục dọa“trừng phạt” Nga
Ngày 14/6, CNN dẫn các nguồn tin cao cấp tại Nhà Trắng và Liên minh châu Âu EU cho biết Mỹ và EU đang hoàn tất việc chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, và có thể áp dụng trong trường hợp leo thang căng thẳng của cuộc xung đột ở Ukraine.
Cũng theo nguồn tin trên, phạm vi có thể mở rộng sang các công dân và công ty của Nga trong các lĩnh vực như lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng.
Quan hệ giữa Nga với EU hiện đang trong tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh (ảnh: DPA) |
Theo kênh truyền hình CNN, Mỹ và EU bắt đầu thảo luận biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi các hành động quân sự tại Donetsk được nối lại. Truyền thông Séc cũng dẫn lời Ngoại trưởng nước này Lubomir Zaoralek cho biết, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể kéo dài đến hết năm nay.
Theo ông Zaoralek, hiện có ba lựa chọn liên quan đến các lệnh trừng phạt Nga, dự kiến sẽ được Hội đồng châu Âu (EC) thảo luận vào cuối tháng 6 này và khả năng kéo dài các lệnh trừng phạt đến cuối năm nay là lớn nhất.
Đây đã là kết quả được nhiều người dự đoán trước. Quan hệ giữa Nga với châu Âu và Mỹ hiện đang trong tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ngoại trưởng Séc nhấn mạnh thêm rằng nếu việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được tiến bộ, châu Âu có thể xem xét nới lỏng lệnh trừng phạt.
Mỹ, NATO muốn dùng vũ khí để gia tăng sức ép
Không chỉ dừng lại ở “lệnh trừng phạt”, cổng thông tin Delfi của Lithuania cho biết, một nhóm hacker đã xâm nhập được vào hệ thống của Văn phòng Lực lượng Vũ trang Lithuania và đưa lên đó thông tin cho rằng quốc gia Baltic bé nhỏ này đang sẵn sàng chuẩn bị thôn tính khu vực Kaliningrad của Nga.
Dĩ nhiên, đứng sau kế hoạch thôn tính gây sốc này là Mỹ và NATO. Delfi cho biết thêm, những cuộc tập trận gần đây của NATO ở các quốc gia Baltic và Ba Lan là bước chuẩn bị cho kế hoạch nói trên.
Hình minh họa: Mỹ, NATO muốn dùng vũ khí để gia tăng sức ép |
Đáng chú ý, thông tin này đã nhanh chóng bị dỡ bỏ khỏi website của Lực lượng Vũ trang Lithuania. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Lithuania cho rằng, vụ việc xảy ra là do một cuộc tấn công của hacker và hiện tất cả các chi tiết đang được điều tra.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, một số tờ báo mới đây đã công bố những bức ảnh về đoàn xe quân sự của Mỹ rầm rập tiến đến thành phố biên giới Zahony nằm ở phía đông Hungary. Đoàn xe này quân sự này dường như đang tiến vào Ukraine.
Thư ký báo chí của Lực lượng Biên phòng Ukraine, ông Oleg Slobodyan đã trả lời phóng viên rằng, các xe quân sự của Mỹ đã đến Ukraine từ Hungary để tham gia vào cuộc tập trận chung Mỹ-Ukraine ở khu vực Lviv.
Trước đó, hồi tháng 4, Mỹ đã cử 300 binh sỹ đến Ukraine để tập trận và giúp đào tạo cho quân đội Kiev. Hiện lực lượng này cũng đã có mặt tại Lviv của Ukraine.
Bênh cạnh đó, Mỹ cũng đang hỗ trợ cho Kiev các thiết bị quân sự không gây sát thương và đang “cân nhắc” thêm việc giao vũ khí cho nước này.
Có thể nói, trong khi tình hình ở miền Đông Ukraine đang tạm lắng với thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 hết sức mong manh, thì Mỹ vẫn tiếp tục đưa binh lính, vũ khí vào Ukraine với những “khuấy động” đầy toan tính riêng.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc Mỹ đưa quân vào giúp đào tạo binh lính Ukraine trong việc sử dụng thiết bị quân sự phương Tây có thể xem là bước đi đầu tiên để Washington tiến tới việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Nhiều quan chức diều hâu ở Mỹ đang thúc giục chính quyền của Tổng thống Barack Obama thực hiện bước đi này để thay đổi tình thế trên chiến trường Ukraine.
Nga và phương Tây đối đầu, Ukraine càng “thua thiệt”
Đấy là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Duma Quốc gia Nga, Alexei Pushkov trên trang Twitter của mình. Ông Alexei Pushkov nhấn mạnh, nỗ lực của các nước phương Tây nhằm cô lập Nga thông qua các biện pháp trừng phạt mới sẽ chẳng đem lại hiệu quả mà còn làm quan hệ Nga – phương Tây thêm trầm trọng. Hơn thế nữa, Phương Tây trừng phạt Nga, Ukraine cũng không nhận được bất kỳ lợi ích gì.
Vùng Donbass của Ukraine đang trên bờ vực cuộc chiến lớn (ảnh: Reuters) |
Trong thực tế, vùng Donbass của Ukraine đang trên bờ vực cuộc chiến lớn, tình hình có thể bùng phát tồi tệ qua từng giờ. Ông Denis Pushilin đại diện phe đối lập ở Donetsk nhận định trong một buổi tiếp xúc với Nhóm liên lạc giải quyết xung đột cho biết: “Hiện giờ chỗ chúng tôi đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lớn. Xung đột đã không phải là nội bộ Ukraine mà hoàn toàn giống với những gì đang xảy ra ở Syria, Yemen, cuộc nổi dậy ở Macedonia… và có thể dẫn đến hậu quả rất đáng buồn”.
Rối loạn chính trị kéo theo cả ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Ukraine. Tại thời điểm hiện nay, Ukraine đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đất nước này không chỉ ở bờ vực chiến tranh như đại diện ở phe đối lập Ukraine nhận xét mà còn trên bờ vực phá sản.
Theo dự kiến, ngày 22/6 Ukraine sẽ phải trả cho Nga 75 triệu USD – số tiền lãi từ khoản trái phiếu trị giá 3 tỉ USD do Ukraine bảo lãnh phát hành và được Nga mua trọn hồi cuối năm 2013. Nếu không thực hiện cam kết này, Ukraine sẽ bị coi là phá sản, Thứ trưởng Tài chính Nga Sergey Storchak bình luận.
Các tổ chức tài chính, định mức tín nhiệm quốc tế đều có chung nhận định, GDP nước này sẽ giảm 6,75% trong năm nay. Tổng số nợ hiện nay của Ukraine là 50 tỉ USD, trong đó 30 tỉ USD là nợ nước ngoài, 17 tỉ USD là nợ trong nước. Nợ công của Ukraine cũng đã chiếm tới 71% GDP của nước này, và dự đoán sẽ còn tăng lên mức 94% GDP vào cuối năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Ukraine. Nội trong năm nay, Ukraine sẽ phải trả khoản tiền nợ 10 tỷ USD, bao gồm các khoản vay nước ngoài và trái phiếu chính phủ.Chính quyền Ukraine đã khởi động các cuộc đàm phán với các chủ nợ từ 3 tháng trước đây, nhưng xem ra vẫn chưa mang lại bất kì kết quả nào. Lý do nằm ở chỗ Ukraine “đòi” xóa nợ một phần, trong khi chủ nợ chỉ đồng ý giãn nợ.
Chính trị Ukraine đang “chết đứng”?
Phát biểu trong một cuộc họp vào ngày 9/6, chính trị gia phe đối lập Ukraine, ông Boris Kolesnikov đã “cay đắng” thốt lên, chính quyền Ukraine hiện tại không hiểu mình đang làm gì, họ đang đưa đất nước vào thế “chết đứng” cả về chính trị và kinh tế.
Tình hình ở Donbass vẫn còn rối loạn (ảnh: Reuters) |
“Chính phủ hiện tại không hiểu mình đang làm gì. Ngay từ tháng 9 năm ngoái, ai cũng nói rằng cuộc xung đột ở miền Đông sẽ không thể giải quyết bằng vũ lực. Bây giờ là tháng 6, sắp tròn một năm kể từ khi hiệp ước Minsk đầu tiên được lập ra. Hàng ngàn người đã chết, trung tâm công nghiệp của đất nước là vùng Donbass đã bị phá hủy”, ông Kolesnikov cho biết.
“Họ đang làm tình hình kinh tế và chính trị của đất nước chết đứng và rơi vào hỗn loạn. Chính phủ phải khẳng định với người dân Ukraine rằng, liệu họ có sẵn sàng để đảm bảo hòa bình và tái cơ cấu bộ máy nhà nước hay không”, ông Kolesnikov nhận xét.
Ông Kolesnikov cũng nhấn mạnh thêm rằng, nước ngoài không nên cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí sát thương để biến nước này thành chiến trường thử nghiệm các vũ khí mới.
“Đất nước sẽ trở thành nơi để hai cường quốc lớn nhất thế giới đưa các loại vũ khí mới nhất vào. Nếu chính quyền không muốn kịch bản đó diễn ra, họ phải thay đổi quyết sách của mình”, ông Kolesnikov kết luận.
Rõ ràng, việc Mỹ và EU càng dồn ép Nga thì sức ép đó lại dồn lên chính Ukraine./.
>> Xem thêm: Ukraine đang "bắn đại bác" vào quá khứ để tuyệt giao với Nga