Hoạt động biểu tình “chiếm đóng Trung tâm tài chính” của một bộ phận người Hong Kong đã bước sang ngày thứ 3. 

Ngoài các địa điểm tập trung đông người từ ngày 28/9 như Toà nhà trung tâm tài chính, Trụ sở chính quyền Hong Kong, trong ngày 29/9, người biểu tình còn mở rộng sang nhiều vị trí khác, trong đó có cả Trụ sở Văn phòng liên lạc Chính quyền trung ương Trung Quốc đặt tại Hong Kong. 

canh_sat_qtgt.jpgNgười biểu tình điều đình với cảnh sát Hong Kong sau khi bị phun hơi cay ngày 28/9 (Ảnh AP)

Lượng người tham gia biểu tình ngày càng đông vào tối 29/9, do một bộ phận sau khi kết thúc giờ làm việc đã tham gia biểu tình. Ước tính cho đến 21h cùng ngày, đã có khoảng 60.000 người tham gia các hoạt động biểu tình. 

Người biểu tình không chỉ yêu sách đòi Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc huỷ bỏ quyết định ngày 31/8, mà còn đòi Người đứng đầu Đặc khu hành chính Lương Chấn Anh từ chức. 

Nhìn chung, các cuộc biểu tình diễn ra tương đối hoà bình, xong cũng xảy ra một số vụ đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát. 

Người đứng đầu Đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh ngày 29/9 đã lên tiếng bác bỏ thông tin cảnh sát nổ súng trấn áp biểu tình, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh, không tin vào tin đồn thất thiệt, sớm giải tán biểu tình để đảm bảo cho cuộc sống bình thường của người dân. 

Các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các thành phố. Khu Cửu Long có 12 tuyến đường giao thông bị đình trệ, còn khu Hong Kong có 39 tuyến đường bộ và 80 tuyến đường thuỷ bị ảnh hưởng do người biểu tình chiếm giữ. 

Nhiều trường học và cơ quan phải đóng cửa do giao thông đình trệ. Theo thông kê của cảnh sát, trong 2 ngày qua đã có 41 người bị thương, trong đó có 12 cảnh sát. 

Tại kỳ họp thứ 10 Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, với số phiếu tán thành đạt 100% đã nhất trí thông qua “Quyết định về vấn đề lựa chọn phổ thông đối với Người đứng đầu Đặc khu hành chính và biện pháp hình thành Uỷ ban lập pháp Đặc khu hành chính Hong Kong”. 

Theo quyết định mới được thông qua, từ năm 2017,  việc bầu cử Người đứng đầu Đặc khu hành chính Hong Kong sẽ tiến hành theo hình thức phổ thông đầu phiếu thông qua một Uỷ ban đề cử có tính đại biểu rộng rãi. 

Uỷ ban này căn cứ vào các trình tự dân chủ để chọn ra từ 2 đến 3 ứng cử viên cho vị trí Người đứng đầu đặc khu với điều kiện các ứng viên phải nhận được trên 50% sự ủng hộ của số Ủy viên Uỷ ban đề cử. Sau đó ứng viên trúng cử Người đứng đầu đặc khu phải do Chính phủ trung ương Trung Quốc bổ nhiệm. 

Tuy nhiên, điều này lại gây ra sự thất vọng cho một bộ phận người dân Hong Kong dẫn đến những cuộc biểu tình với số lượng lớn người tham gia trong những ngày gần đây. 

Lực lượng biểu tình cho rằng quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc chưa đáp ứng được yêu cầu của họ, chưa đảm bảo cho tiến trình dân chủ ở Hong Kong được thực thi đầy đủ. 

Họ cho rằng ứng cử viên vị trí Người đứng đầu Đặc khu phải do Uỷ ban đề cử lựa chọn là không đảm bảo dân chủ. Lực lượng biểu tình đưa ra các yêu sách như sau: 

- Ông Lương Chấn Anh, người đang giữ cương vị đứng đầu Đặc khu hành chính Hong Kong phải từ chức. 

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc phải huỷ bỏ quyết định đưa ra ngày 31/8 vừa qua. 

- Các công dân phải được quyền đề cử ứng viên cho kỳ bầu cử người đứng đầu đặc khu hành chính này vào năm 2017. 

- Cần phải áp dụng hình thức bầu cử phổ thông đầu phiếu bắt đầu từ kỳ bầu chọn Hội đồng Lập pháp trong năm 2016. 

Phản ứng trước những cuộc biểu tình lớn trong những ngày vừa qua, có thể nói Chính phủ Trung ương Trung Quốc và Chính quyền Hong Kong giữ thái độ tương đối thận trọng, lực lượng cảnh sát tỏ ra kiềm chế, họ chỉ áp dụng một số biện pháp được cho là cứng rắn như xịt hơi cay về phía người biều tình tại một số địa điểm quy định không được biểu tình như các trục đường lớn, vì ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người dân... 

Ngày 29/9, Người phát ngôn Văn phòng công tác Hong Kong và Macau trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc khẳng định, Chính phủ trung ương Trung Quốc đánh giá cao công tác của Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong thời gian qua, đồng thời tin tưởng cao đối với Người đứng đầu Đặc khu Lương Chấn Anh. 

Trước đó, ngày 28/9, Văn phòng công tác Hong Kong và Macau trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Văn phòng liên lạc Chính quyền trung ương Trung Quốc đặt tại Hong Kong cũng đã lần lượt ra tuyên bố khẳng định hoạt động biểu tình chiếm đóng toà nhà trung tâm tài chính ở Hong Kong là hoạt động phi pháp; bày tỏ ủng hộ chính quyền Đặc khu xử lý tình hình theo pháp luật; ủng hộ quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 31/8 liên quan đến vấn đề bầu cử lựa chọn người đứng đầu Đặc khu hành chính Hong Kong./.