Một báo cáo không quân Trung Quốc liệt kê Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam là “mối đe dọa” trong không gian quân sự của Trung Quốc tới năm 2030.
Báo cáo đề xuất mở rộng quy mô giám sát “chuỗi đảo đầu tiên” từ Okinawa, Đài Loan tới Philippines và mở rộng tuyến phòng vệ của Trung Quốc ngoài biển để đối phó với những diễn biến bất lợi ở “chuỗi đảo thứ hai” (quần đảo Izu, Guam và New Guinea).
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc (ảnh: SMCP) |
Theo Kyodo, bản báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển và nâng cấp 9 loại “trang thiết bị chiến lược”, trong đó có máy bay ném bom chiến lược mới và một hệ thống thiết bị phòng thủ khu vực đầu cuối tầm cao (THAAD) nhằm một phần đối phó với Mỹ, nước đang tập trung xoay trục sang châu Á.
Các thiết bị chiến lược còn lại bao gồm tên lửa hành trình tốc độ cao phóng từ trên không, máy bay vận tải cỡ lớn, khinh khí cầu bay trên tầng khí quyển cao, máy bay tiêm kích thế hệ mới, máy bay tấn công không người lái, các vệ tinh của không quân và bom có điều khiển.
Mới đây, Trung Quốc vừa đưa ra chiến lược mở rộng hải quân, trong đó chú trọng xây dựng của một tàu sân bay thứ hai đang thu hút sự chú ý của dư luận. Theo báo cáo của Học viện Chỉ huy không quân Trung Quốc, đi kèm với lực lượng hải quân, không quân cũng phát triển một chiến lược mở rộng tương tự, để đối phó với những nguy cơ từ Mỹ nói riêng cũng như hàng loạt nước “láng giềng”.
Bởi vậy, tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản 3/8 nhận định Trung Quốc đang chơi trò thổi phồng “nỗi sợ hãi” của lực lượng không quân để che lấp một động cơ “nguy hiểm”, cải tạo đảo nhằm phục vụ mục đích quân sự hay thành lập vùng nhận dạng phòng không. Nói như vậy nghĩa là quân sự hóa các vùng biển quan trọng của thế giới như Biển Đông và Hoa Đông.
Trung Quốc sắp xây đường băng thứ 2?
Một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington cho biết, Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho việc xây dựng một đường băng thứ 2 dài 3km trên một hòn đảo mà nước này cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trước đó Trung Quốc đã tiến hành xây trái phép một đường băng dài 3km trên đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đường băng này có thể dùng cho mục đích quân sự.
Trang web của CSIS nói rằng đường băng của Trung Quốc trên đảo đá Chữ Thập, cách đảo Hải Nam khoảng 1.000km bắt đầu được xây dựng vào năm 2014 và đang ở giai đoạn gấp rút hoàn thiện.
Các bức ảnh vệ tinh về một bãi đá khác - bãi Xubi (của Việt Nam), nơi Trung Quốc đã tiến hành cải tạo trên một diện tích tới gần 4 triệu m2 - cho thấy Bắc Kinh có thể sẵn sàng xây tiếp một đường băng thứ hai cũng với độ dài 3km. Trung Quốc bị tố đang thể hiện tham vọng bành trướng Biển Đông bằng chương trình cải tạo đất và căng thẳng đã gia tăng ở Biển Đông vì các hoạt động này.
Theo website CSIS, một căn cứ không quân tại đảo đá Chữ Thập sẽ giúp Trung Quốc nắm tình hình tốt hơn, và giúp họ triển khai các máy bay theo dõi hàng hải và các phi đoàn chiến đấu cơ trong khu vực.
Website này cho rằng “Trung Quốc có thể sẵn sàng sử dụng căn cứ không quân để tuần tra hoặc thực hiện các cuộc tấn công hạn chế nhằm vào các đối thủ ở Biển Đông, thậm chí đánh cả vào các cơ sở của người Mỹ”.
Trung Quốc đang đổ lượng lớn cát xuống đây nhằm mở rộng và củng cố các bãi đá nhỏ và xây hạ tầng mà họ nói là nhằm bảo vệ an toàn hàng hải và phục vụ nghiên cứu khoa học cũng như mục đích quân sự.
Khánh thành bến tàu sân bay “lớn nhất thế giới” ở Tam Á
Theo The Diplomat, căn cứ quân sự mới ở đảo Hải Nam là “bến tàu sân bay dài nhất thế giới”. Mặc dù tàu sân bay này đã khánh thành nhưng vẫn đang được mở rộng thêm.
Tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc. (ảnh: CNAnhui) |
The Diplomat dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân trả lời Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cuối tháng 7, giải thích về bến tàu sân bay được xây dựng ở Tam Á, đảo Hải Nam là một căn cứ gồm nhiều cầu cảng cho tàu sân bay, sân bay cho máy bay dùng trên tàu sân bay và cũng là nơi huấn luyện. Như vậy, sau căn cứ tàu sân bay đầu tiên ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã hoàn thành căn cứ tàu sân bay thứ hai lớn hơn ở Tam Á, đảo Hải Nam.
Hồi tháng 3 năm nay, một quan chức hải quân xác nhận Trung Quốc đang làm tàu sân bay thứ hai - con tàu nội địa đầu tiên. “Nếu hai căn cứ phối hợp cùng nhau, nó sẽ trở thành một căn cứ quân sự đa nhiệm vụ lớn nhất của hải quân Trung Quốc”.
Đòn hiểm mới của Bắc Kinh
The Diplomat dẫn lại lời chuyên gia Ma Yao, Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Thượng Hải giải thích vì sao Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu sân bay trên đảo Hải Nam: Hải Nam là điều kiện lý tưởng cho một căn cứ hải quân do rất gần “ba eo biển chiến lược quan trọng - eo biển Malacca, Lombok và Sunda”.
Trong trường hợp Mỹ và Nhật Bản phong tỏa chuỗi đảo đầu tiên (từ Okinawa, Đài Loan đến Philippines), Trung Quốc có thể ra được Ấn Độ Dương, nam Thái Bình Dương thông qua Biển Đông. Căn cứ quân sự ở đảo Hải Nam cũng sẽ giúp Trung Quốc tập trung lực lượng hải quân, không quân ở một vị trí chiến lược quan trọng, nơi lực lượng Mỹ tương đối mỏng.
Hải Nam là nơi đã có nhiều căn cứ phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ cho căn cứ tàu sân bay. Đây là nơi có rất nhiều máy bay chiến đấu J-11B hoạt động, sẵn sàng đối phó với máy bay giám sát P8-A của Mỹ tại Biển Đông.
Cùng quan điểm với The Diplomat, một tờ báo khác của Nhật là Sankei Shimbun cho rằng Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông để đoạt lấy quyền kiểm soát trên không: “Lấn biển xây đảo trái phép là thủ đoạn tăng cường quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển và không gian trên Biển Đông. Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở các hòn đảo, đá ngầm ở Trường Sa, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”.
Đây là một “đòn hiểm” mới, hết sức đáng chú ý khi đi kèm động thái ngấm ngầm quân sự hóa Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc lớn tiếng nói với thế giới rằng Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam và một số nước khác là “mối đe dọa” với Trung Quốc vào năm 2030./.