Hoàn tất cải tạo đảo, rầm rộ xây dựng công trình phi pháp
Ngay từ đầu năm 2015, Philippines đã lên tiếng về hành động của Trung Quốc khi rầm rộ cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo.
Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Evan Garcia ngày 21/1 đã đưa ra hình ảnh mà nước này chụp lại để tố cáo hành vi sai trái này của Trung Quốc và nhấn mạnh: “Việc cải tạo của Trung Quốc là rất đáng kể, chỉ cần nhìn những hình ảnh này là có thể nhận ra ngay. Đây không phải là những thay đổi nhỏ nhặt. Những hành động cải tạo này rõ ràng là nhằm thay đổi hiện trạng hiện nay”, ông Garcia tuyên bố.
Hình ảnh vệ tinh tố cáo hoạt động cải tạo đảo rầm rộ của Trung Quốc ở bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh CSIS |
Ngoài ra, tôi còn muốn nói rằng, việc cải tạo của Trung Quốc trên Biển Đông là hành động vi phạm trắng trợn những gì mà chúng tôi đã thống nhất với nhau” trong thỏa thuận năm 2002. Điều này không giúp hai nước có thể tìm ra một biện pháp hướng tới tương lai và không thể khiến mọi người có thể hiểu là một hành động tự kiềm chế (của Trung Quốc)”.
Một quan chức Mỹ đã nêu rõ, trước tháng 1/2014, Trung Quốc mới chỉ cải tạo được khoảng 5ha các bãi đá ở Biển Đông. Tuy nhiên, con số này chỉ sau nửa năm đã lên đến 800ha.
Không chỉ cải tạo, Trung Quốc còn rầm rộ xây dựng rất nhiều công trình trên các đảo nhân tạo nói trên, đáng chú ý nhất là các đường băng có chiều dài lên đến 3km- đủ để máy bay quân sự các loại của nước này hoạt động- trên các bãi Subi và Vành Khăn, cùng nhiều trạm radar và các doanh trại.
Các chuyên gia nhận định, các đường băng nói trên sẽ tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp nhiên liệu và vũ khí tại chỗ mà không phải quay trở lại đảo Hải Nam cách đó gần 1.000km.
Điều này sẽ khiến cho những chiến đấu cơ này có thể thực hiện các cuộc trinh thám một cách thường xuyên và liên tục hơn và khiến các nước có tranh chấp với Trung Quốc và Mỹ phải “đau đầu” lên kế hoạch đối phó.
Tình hình sẽ trở lên khó lường hơn rất nhiều nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Trong trường hợp đó, các đường băng nói trên sẽ là nơi các máy bay chiến đấu của nước này cất cánh và có thể thực hiện các vụ tấn công mà Trung Quốc cho là cần thiết.
Hoàn tất cải tạo đảo, Trung Quốc vẫn khó “vẫy vùng” ở Biển Đông
Trung Quốc đã không giấu diếm tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình dù nước này nhiều lần lên tiếng khẳng định rằng, các công trình trên chỉ phục vụ mục đích dân sự. Điều này đòi hỏi cả Mỹ và các nước có tranh chấp trên Biển Đông cần có một sách lược đối phó rõ ràng.
Mỹ phản ứng gay gắt, không ngại thách thức Trung Quốc
Trước hành vi sai trái của Trung Quốc, giới chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc cần ngừng ngay những hành động mà theo phía Mỹ là “gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh trong khu vực”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 6 đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không được lợi dụng sức mạnh quân sự của mình để chèn ép các nước khác trong tranh chấp ở Biển Đông.
“Chúng tôi nghĩ rằng, việc cải tạo đảo và có những hành động hiếu chiến trong khu vực là phản tác dụng. Trung Quốc có thể thành công với tư cách là một đất nước hùng mạnh. Người dân Trung Quốc rất tài năng và làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, họ đừng có cố tình áp đặt chủ quyền của mình bằng cách chèn ép các nước khác”, ông Obama tuyên bố.
Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc cưỡng chế thay đổi hiện trạng Biển Đông - hành vi mà Mỹ và các đồng minh đều quyết tâm chống lại”.
Ông Blinken nhấn mạnh, dù không phải là bên liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ vẫn quan tâm mạnh mẽ tới diễn biến các hoạt động mà các bên liên quan đang theo đuổi, và quan tâm đến việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen. Ảnh Hải quân Mỹ |
Để minh chứng rằng mình “không chỉ nói mà không làm”, Mỹ ngày 27/10 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, việc tuần tra đã hoàn tất mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra trong vài tuần tới. “Việc tuần tra của Mỹ là hành động sẽ diễn ra thường xuyên chứ không phải làm một lần rồi thôi”, quan chức này cho biết.
Gần 2 tháng sau, Mỹ lại tiếp tục thách thức chủ quyền phi pháp của Trung Quốc khi điều “pháo đài bay” B-52 bay qua các đảo nhân tạo nói trên. Trong cả hai lần đó, dù phản ứng dữ dội và đều tuyên bố là theo sát tình hình, Trung Quốc vẫn “án binh bất động” chứ không hề có biện pháp ngăn chặn nào như nước này vẫn “răn đe” tàu và máy bay các nước có ý định đi qua khu vực này.
Vì sao đến giờ Mỹ mới đưa tàu USS Lassen vào tuần tra ở Biển Đông?
Không chỉ phản ứng đơn lẻ, Mỹ còn kêu gọi các đồng minh, trong đó đáng kể nhất là Philippines cùng có những hành động phản ứng trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và hỗ trợ tích cực cho Philippines để tăng cường sức mạnh của Hải quân nước này.
Philippines vừa tăng cường quân sự, vừa tiến hành kiện Trung Quốc
Dù là nước có lực lượng quân sự ở mức khiêm tốn ở châu Á, Philippines là nước luôn có tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất nhằm vào những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính vì thế, Philippines sẽ nhận được sự hỗ trợ ở mức cao nhất từ phía Mỹ. Theo đó, nước này sẽ tiếp nhận một chiếc tàu của lực lượng tàu duyên Mỹ được cải hoán thành một chiếc tàu chiến hiện đại để tăng cường sức mạnh của Hải quân Philippines trong việc tiến hành những chuyến tuần tra kéo dài trên biển.
Không chỉ nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ, Philippines còn được Nhật Bản cung cấp 3 chiếc máy bay Beechcraft TC-90 King Air đã qua sử dụng để phục vụ mục đích tuần tra ở Biển Đông.
Ngoài ra, Philippines cũng muốn Nhật Bản cung cấp các máy bay trinh sát săn ngầm P3-C Orion và hiện Nhật Bản cũng đang đóng 10 tàu có chiều dài 40m/chiếc cho Philippines. Ngoài ra, Philipines cũng muốn có thêm các tàu tuần tra dài 100m.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cũng đã chấp thuận cung cấp số tiền lên đến 936 triệu USD cho Bộ Quốc phòng Philippines để mua sắm 2 tàu chiến, một trực thăng săn ngầm, một tàu đổ bộ tấn công và các tàu tuần tra tầm xa cùng các loại vũ khí trang bị trên các máy bay chiến đấu siêu thanh F-50 mà nước này mua của Hàn Quốc và các loại radar giám sát.
Lính cứu hỏa Philippines dùng vòi rồng phun nước vào một chiếc FA-50 theo đúng nghi thức chào đón những chiếc máy bay mới được tiếp nhận và chưa được đặt tên. Ảnh Reuters |
Trên mặt trận pháp lý, Philippines cũng đã giành được những thắng lợi đầu tiên khi Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ngày 29/10 khẳng định tòa có đầy đủ quyền pháp lý để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines đã nhiều lần giải thích rằng, việc tòa ra phán quyết lần này sẽ mở đường cho việc Philippines cân nhắc kiện Trung Quốc ở những vấn đề cụ thể nào. Philippines cho biết, nước này mong muốn PCA tuyên bố yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi pháp.
Chánh án Cao cấp Tòa án Tối cao Philippines Carpio bày tỏ tin tưởng: “Một khi PCA ra phán quyết rằng mình có thẩm quyền xét xử vụ này, chúng tôi có thể tin chắc rằng, tòa sẽ bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc”.
Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước phán quyết của PCA, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tham gia và không chấp nhận PCA.
Phán quyết của tòa sẽ không ảnh hưởng gì đến quan điểm của phía Trung Quốc và cũng không ảnh hưởng đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quyền trên của chúng tôi sẽ không thể bị xâm phạm”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, là một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, quan điểm trên sẽ khiến vị thế về ngoại giao của Trung Quốc bị tổn hại rất nhiều nếu Tòa ra phán quyết Trung Quốc vi phạm một trong các quy định của Liên Hợp Quốc.
Tòa quốc tế cho Bắc Kinh 1 tháng để phản biện trong vụ kiện Biển Đông
Thắng lợi này của Philippines đã tạo điều kiện cho các nước khác tính đến biện pháp pháp lý với Trung Quốc. Indonesia, nước vốn không có tranh chấp quá gay gắt với Trung Quốc cũng đã bắt đầu cân nhắc đến việc kiện Trung Quốc ở Biển Đông liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của nước này bao trùm hầu khắp Biển Đông và chồng lấn một phần quần đảo Natuna của nước này.
Bộ Ngoại giao Indonesia hồi tháng 11 cho biết, Bộ đã yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
“Quan điểm của Indonesia tại thời điểm này là rất rõ ràng, chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc bởi nó không tuân thủ luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir nói.
“Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ họ thực sự muốn gì khi ra yêu sách đường 9 đoạn bởi họ chưa bao giờ nói rõ về điều này”, ông Nasir nói.
Indonesia có thể kiện Trung Quốc về “đường 9 đoạn ở Biển Đông”
Ngoài ra, Australia và Nhật Bản, hai nước đồng minh khác của Mỹ không có liên quan đến tranh chấp Biển Đông cũng đã có những động thái cứng rắn.
Trong khi Nhật Bản vừa tìm cách hỗ trợ cho các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông vừa cùng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc với Mỹ thì Australia cũng đã điều máy bay quân sự bay qua Biển Đông với lý do “đảm bảo tự do hàng không và hàng hải” như Mỹ vẫn làm.
Như vậy, có thể nói, năm 2015, tình hình Biển Đông liên tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, Trung Quốc vẫn không nguôi tham vọng độc chiếm Biển Đông và làm mọi cách để tạo “sự đã rồi” trên các đảo mà họ cải tạo phi pháp.
Trong khi đó, để đối phó với mưu đồ này, Mỹ và các đồng minh đã có sự liên kết chặt chẽ và phối hợp hành động vừa để cảnh báo Trung Quốc vừa để ngăn chặn nếu Trung Quốc tỏ ra quá hiếu chiến và có những toan tính sai lầm./.