Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả đòn thuế quan mới nhất mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 10/5 với mức thuế nhập khẩu 25%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: CBC |
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải tuyên bố dọa tăng thuế trên Twitter hôm 5/5, thị trường chứng khoán châu Á ngập sắc đỏ trong tuần qua. Chỉ số Shanghai Composite Index xuống mức thấp nhất trong 10 tuần qua.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã đáp trả với lập trường cứng rắn trong cuộc chiến thương mại, khi nói rằng: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc sẽ có những biện pháp đáp trả cần thiết”.
Vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington đã kết thúc ngày 10/5 (theo giờ Mỹ) khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn tuyên bố yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer chuẩn bị để tăng thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại nhập khẩu vào Mỹ.
Diễn biến mới nhất này càng khiến các nhà đầu tư và giới phân tích lo ngại Trung Quốc sẽ sớm “phản đòn” Mỹ và cuộc chiến thuế quan, từ đó kéo theo nhiều tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Áp thuế đối xứng hay bán tháo trái phiếu Mỹ?
Giới phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc không sẵn lòng “chơi theo luật của Trump”, Bắc Kinh sẽ tìm nhiều cách để đáp trả, không chỉ bằng cách áp đặt thuế bổ sung kiểu đối xứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, mà còn nhiều “hỏa lực” khác.
Ở giai đoạn đầu tiên, Trung Quốc có thể phản đòn bằng cách bán tháo trái phiếu nắm giữ của chính phủ Mỹ, tung ồ ạt ra thị trường để dìm giá trái phiếu. Điều đó sẽ khiến các công ty Mỹ, người tiêu dùng Mỹ phải chấp nhận chi phí vay mượn cao hơn, dẫn tới nền kinh tế Mỹ trở nên ảm đạm hơn.
Cliff Tan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu khu vực Đông Á của Ngân hàng MUFG, nói rằng, chưa chắc Trung Quốc sẽ chọn cách bán tháo trái phiếu Mỹ một cách ồ ạt như vậy, bởi cách làm này cũng sẽ ảnh hưởng tới các lợi ích của họ, chưa kể sẽ khiến các thị trường trở nên cực kỳ biến động.
“Bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ có thể là một vũ khí không mấy hiệu quả đối với Trung Quốc, bởi nó đẩy lãi suất tăng cao và cũng sẽ ảnh hưởng đến các vị trí Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nếu Trung Quốc bán tháo toàn bộ tài sản USD, sẽ rất rủi ro cho họ vì sự bất ổn cao của thị trường”, Cliff Tan nói
Phải đến năm 2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mới mua USD từ các nhà xuất khẩu trong khi bán Nhân dân tệ (NDT) cho họ để ngăn đồng nội tệ bị đẩy lên quá giá. Phần lớn trong số 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, đang ở dưới dạng trái phiếu kho bạc Mỹ, và đây là một trạng thái an toàn hoàn hảo. Trung Quốc cần tài sản USD như một vùng đệm an toàn nếu họ cần cứu hệ thống ngân hàng nội địa hoặc hỗ trợ đồng NDT thông qua sự can thiệp tỷ giá hối đoái.
Mặc dù họ đã giảm bớt trái phiếu kho bạc Mỹ những năm gần đây, nhưng Trung Quốc vẫn nằm trong số những chủ nợ hàng đầu của Mỹ với 1.123 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với 1.042 nghìn tỷ.
Mặc dù lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ chỉ vào khoảng 5% tổng nợ 22.000 tỷ của Mỹ tính đến tháng 2/2019, nhưng 1.123 tỷ USD không phải là con số nhỏ và vẫn khó có thể lường trước được những hậu quả khi Trung Quốc bán tháo số trái phiếu này.
Hạ giá đồng nội tệ?
Nếu Trung quốc quyết định bán trái phiếu Mỹ và mua dầu mỏ, các nhà sản xuất dẩu mỏ, những người nhận USD có thể chuyển số tiền này lại kho bạc Mỹ, và điều này sẽ không làm gia tăng tiềm lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Nhà phân tích Cliff Tan của Ngân hàng MUFG nói rằng, lựa chọn tốt hơn có thể là cho phép hạ giá đồng NDT trước đồng USD để chống đỡ các tác động tiêu cực của thuế quan. “Nếu không có thỏa thuận ổn định tiền tệ nào được đàm phán, thì chắc chắn đây sẽ là một trong những chiêu bài Trung Quốc có thể sử dụng để đối phó với sự leo thang trong cuộc chiến thuế quan”.
Mỹ đã áp thuế 25% tỷ hàng hóa Trung Quốc bao gồm máy móc và các sản phẩm công nghệ. Đòn thuế quan mới nhất là nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa.
300 tỷ USD hàng hóa còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ chịu 25% thuế nhập khẩu vào Mỹ./.
Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung: Ai là người chịu thiệt?