Ngày 15/12, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ bắt đầu có chuyến thăm Ấn Độ trong hai ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Ôn Gia Bảo đến Ấn Độ trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận, chuyến thăm góp phần phá tan băng giá trong quan hệ hai nước sau khi mâu thuẫn về tranh chấp lãnh thổ gia tăng kể từ năm 2009.
Phát biểu trước chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hồ Chính Dược cho biết hai nước sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề cụ thể, trong đó có việc thúc đẩy trao đổi thương mại, giải quyết những bất đồng về các khu vực tranh chấp và bày tỏ các quan điểm của Trung Quốc về việc mở rộng vai trò của Ấn Độ trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Ông Hồ Chính Dược khẳng định: “Trung Quốc không thay đổi lập trường về việc mong muốn Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và đặc biệt là vai trò trong Liên Hợp Quốc”
Ông Hồ Chính Dược cũng cho biết, điểm mấu chốt trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ trong tuần tới là tiến tới một thỏa thuận về thương mại tự do. Bởi hiện nay, hai bên đều thừa nhận có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch hai chiều đã vượt quá 50 tỷ USD từ năm 2008. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính các nguyên liệu thô như quặng sắt, than đá của Ấn Độ trong khi Ấn Độ là bạn hàng lớn của Trung Quốc về các mặt hàng tiêu dùng.
Các doanh nghiệp 2 nước trông đợi, trong chuyến thăm này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai bên sẽ ký kết các hợp đồng kinh tế trị giá có thể lên tới 8,3 tỷ USD. Ông Rechard Hee, đại diện một doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc cho rằng cần thiết phải thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước Trung -Ấn. Theo ông này, hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ đã mất đi các cơ hội thuận lợi hóa qua biên giới trong thời gian dài. Do đó, hai nước cần sớm nhận ra được giá trị của quá trình hợp tác để hiểu rõ nhau hơn. “Chỉ có như vậy, chúng ta mới thấy các công ty Ấn Độ đến Trung Quốc đầu tư và ngược lại sẽ có nhiều công ty Trung Quốc đến Ấn Độ” – ông Rechard nói.
Tuy nhiên, vấn đề gai góc nhất, được chờ đợi nhiều nhất là việc giải tỏa những căng thẳng xung quanh các vấn đề về khu vực tranh chấp Kashmir do Ấn Độ kiểm soát cũng như vấn đề Tây Tạng.
Hai nước láng giềng khổng lồ của châu Á từng lâm vào cuộc chiến biên giới chớp nhoáng năm 1962, nhưng quan hệ đã được cải thiện kể từ đó. Đặc biệt Bắc Kinh và New Dehli thiết lập "mối quan hệ đối tác chiến lược" từ năm 2005. Tuy nhiên cả Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm đường biên giới chung và chiếm đóng bất hợp pháp các vùng đất của nhau tại khu vực này.
Tranh cãi giữa Bắc Kinh và New Dehli bắt đầu leo thang sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sing tới bang Arunan Prades, nơi Trung Quốc xác nhận chủ quyền hơn 90.000 km2 hồi tháng 10 năm ngoái. Ngược lại, Ấn Độ phê phán công khai sự có mặt của Trung Quốc tại vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. New Dehli yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ việc xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá và đập thủy điện tại khu vực mà theo Ấn Độ, ”Pakistan đã chiếm đóng bất hợp pháp từ 1947”.
Không dừng lại ở đó, căng thẳng giữa hai nước ngày một gia tăng xung quanh vấn đề cấp thị thực nhập cảnh tại Trung Quốc cho những người đến từ khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ấn Độ bất bình vì cho rằng quyết định của Trung Quốc cấp thị thực viết tay trên một tờ giấy riêng đính kèm vào hộ chiếu cho những người Ấn Độ tại Kashmir thể hiện rằng Bắc Kinh coi Kashmir vẫn là vùng lãnh thổ tranh chấp chưa có chủ quyền rõ ràng. Trong khi đó Trung Quốc không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về quyết định này.
Bên cạnh đó là vấn đề Ấn Độ cho phép nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đến Ấn Độ và sự nồng ấm trong quan hệ Mỹ - Ấn cũng khiến cho quan hệ hai nước trở nên lạnh giá.
Chưa ai dám chắc, quan hệ Trung - Ấn sẽ nồng ấm đến đâu nhưng có lẽ đã đến lúc cả hai nước phải nhìn nhận, với vai trò là hai quốc gia mới nổi ở châu Á, Trung - Ấn cần bắt tay nhau hơn là đối đầu để có thể tạo ra được một thế cân bằng trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay, nhất là Mỹ đang ngày càng gia tăng sự ảnh hưởng ở châu Á trong thế kiềng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Như điều mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng nói trong cuộc gặp giữa hai nước bên lề Hội nghị thượng định ASEAN hồi tháng 10 tại Hà Nội vừa qua rằng, "Có đủ không gian trên thế giới cho Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác và đạt được sự phát triển chung. Chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong quan hệ giữa hai nước"./.