Ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hiệp ước công nhận Crimea là một phần của Liên bang Nga. Phát biểu tại Điện Kremlin trước đại biểu lưỡng viện, quan chức Chính phủ, thống đốc các khu vực toàn Nga, ông Putin nói: “Crimea luôn luôn là một phần không thể thiếu của nước Nga, trong tâm khảm của mọi người”.

putin-rt.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có quyết định quan trọng khi ký hiệp ước công nhận Crimea là một phần của Liên bang Nga

Ông Putin nhấn mạnh, Nga không có ý định chia cắt Ukraine, nhưng “Crimea đã, đang và sẽ luôn thuộc về nước Nga”. Ông cũng cáo buộc chính phương Tây “đạo đức giả” đã kích động và đứng sau những thành phần “phát xít mới, theo chủ nghĩa bài Nga” tiếm quyền, gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. 

Sau khi ký sắc lệnh công nhận Crimea là một nhà nước độc lập có chủ quyền, ông Putin chính thức thông báo về đề nghị gia nhập Liên bang Nga của Cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol. Ông Putin yêu cầu các cơ quan công quyền Nga (chính phủ và Quốc hội) thông qua hiệp ước này.

Trước động thái này của Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tuyên bố có thể áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt ngay trong tuần này. Trong một tuyên bố hôm 18/3, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, Anh sẽ hối thúc Liên minh châu Âu (EU) thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Brussels ngày 20/3.

Ông Samuel Charap, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng, “việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đã không thể ngăn cản ông Putin quyết đoán trong vấn đề Crimea. Sự việc này có thể kéo Nga và phương Tây vào một cuộc đối đầu tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, thậm chí, nguy cơ đối đầu bạo lực là hoàn toàn hiện hữu”.

EU và Mỹ đe dọa, Nga trả lời

Các nước phương Tây vẫn tiếp tục công kích, xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đại sứ EU tại Nga Vygaudas Usackas trả lời hãng tin Interfax cho hay, danh sách trừng phạt các quan chức Nga sẽ sớm mở rộng thêm.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào phút chót. Ông Fabius nói trên kênh TF1 rằng, Pháp có thể xem xét hủy hợp đồng bán 2 tàu tấn công đổ bộ Mistral trị giá 1,4 tỷ euro cho Nga.

Cho đến nay, phương Tây dù tuyên bố mạnh mẽ nhưng vẫn tỏ ra dè dặt trong việc áp dụng cách lệnh trừng phạt Nga (Ảnh: newseurope)

Trước đó, Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt bảy quan chức Nga, bao gồm Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, và 4 người Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych. Lệnh trừng phạt của Mỹ bao gồm cấm đi lại, đóng băng tài sản của những người này ở Mỹ và cấm người Mỹ làm ăn, hợp tác kinh doanh với những người trong danh sách trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine, chúng tôi sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt khác”.

Một mình giữa sức ép từ các nước phương Tây và Mỹ, Nga vẫn giữ vững quan điểm về Crimea nói riêng và Ukraine nói chung. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/3 cho rằng: “Các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU đưa ra là không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, điện Kremlin sẽ trả đũa các âm mưu trừng phạt Nga. Ông Putin khẳng định, Nga không bao giờ tìm cách đối đầu với phương Tây, nhưng sẽ bảo vệ các lợi ích của mình.

Phương Tây và Mỹ đang trừng phạt Nga “lấy lệ”?

Bên cạnh những lời chỉ trích và các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt với Nga sau sự kiện Crimea, trong cuộc điện đàm hôm 18/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, vẫn còn "lối thoát ngoại giao" để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, hai nhà lãnh đạo cho rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đã vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Obama và bà Merkel nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đưa ra đối với một số quan chức Nga là hợp lý.

Tuy nhiên, cả Berlin và Washington đều bỏ ngỏ có khả năng sẽ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu tình hình. Hai bên nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục theo đuổi giải pháp chính trị và đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, theo hướng chú trọng tới các lợi ích của cả Nga và người dân Ukraine.

Mối quan hệ Nga - Mỹ đang trở nên căng thẳng vì vấn đề Ukraine (Ảnh: Fox News)

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 18/3 cho biết, ngoài việc đình chỉ công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Sochi, Nga vào tháng 6 tới, chưa có quyết định nào được đưa ra thêm về tư cách thành viên của Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Nga hiện vẫn đang là một thành viên của G8. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italy nhấn mạnh, cấu trúc của G8 vẫn không thay đổi, các nước vẫn phải nỗ lực để củng cố giữ vững G8.

Ngay trong tuyên bố dọa hủy hợp đồng cung cấp 2 tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Nga, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng thừa nhận rằng, việc mất hợp đồng này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Pháp.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Pháp đã lên tiếng hối thúc Vương quốc Anh có “hành động tương tự đối với tài sản của các nhà tài phiệt Nga ở London”. Ông Fabius cho biết, điều kiện để Pháp sẽ thực hiện biện pháp cấm vận đối với Moscow là Pháp sẽ không hành động đơn phương, mà cần thiết có sự tham gia của cả các nước khác.

Như vậy, có thể thấy Pháp nói riêng và phương Tây nói chung vẫn đang “ném đá dò đường” trong việc trừng phạt Nga vì việc làm này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nga mà còn tác động tiêu cực đến chính họ.

Trừng phạt Nga chẳng khác nào “chơi dao 2 lưỡi”

AFP dẫn lời Thủ tướng Bulgaria Plamen Orecharski cho biết: “Cùng với một số ít thành viên EU khác, chúng tôi không mấy quan tâm đến các biện pháp trừng phạt Nga. Nếu EU trừng phạt kinh tế Nga thì khu vực Đông Âu sẽ phải chịu tác động tiêu cực nghiêm trọng nhất”.

Trong một cuộc gặp gỡ đại diện giới truyền thông gần đây, Tổng thống Putin tuyên bố, các nước có ý định trừng phạt Nga cần cân nhắc về những hậu quả mà các biện pháp này gây ra.

Ông Putin nhấn mạnh: "Trong thế giới hiện đại, tất cả sự việc đều có liên hệ với nhau, con người cũng phụ thuộc vào nhau theo cách này hoặc cách  khác. Đương nhiên, người ta cũng có thể làm tổn hại lẫn nhau, nhưng điều này chẳng có lợi cho ai hết. Trước khi trừng phạt Nga, phương Tây cũng nên suy nghĩ về vấn đề này".

Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang "loay hoay" tìm cách đáp trả động thái cứng rắn của Nga (Ảnh: Reuters)

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ EU cho đến nay vẫn tỏ ra "dè dặt" trong việc trừng phạt Nga vì nước này là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Theo thống kê, 25% lượng khí đốt của EU tới từ Nga, nếu Nga không cung cấp khí đốt cho châu Âu, đó sẽ thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.

Ở thời điểm hiện tại, EU không có những phương án khác để bù đắp lượng khí đốt từ Nga, hơn nữa các ông lớn ở châu Âu như Đức, Italy vừa mới đóng góp kinh phí xây dựng 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt lớn nối liền Nga và châu Âu (“Dòng chảy phương Nam” và “Dòng chảy phương Bắc”). Đồng tiền bỏ ra chưa thu được lợi nhuận, những nước này sẽ không dại gì gây hấn với Nga để “tiền mất, tật mang”.

AFP dẫn lời một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn năng lượng Đức EON giấu tên lên tiếng cảnh báo, bất kỳ hành động làm “tổn hại quan hệ với Nga một cách thiếu suy nghĩ” sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đức.

Kết quả một cuộc khảo sát đăng trên tờ báo Đức Handelsblatt hôm 13/3 cho thấy, có khoảng 2/3 người dân Đức được hỏi phản đối lệnh trừng phạt Nga vì lo ngại Nga ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên cho Berlin nếu Moscow bị trừng phạt.

Cố vấn kinh tế điện Kremlin Sergei Glazyev cho rằng, trường hợp Nga bị trừng phạt kinh tế, thị trường cổ phiếu cùng những khoản nợ bằng đồng USD của Nga cũng sẽ bị đóng băng, Moscow có thể dừng việc sử dụng đồng USD, chuyển sang dùng các đồng ngoại tệ khác trong giao dịch thương mại quốc tế để bớt phụ thuộc vào Washington. Đồng thời, ông còn cảnh báo hệ thống tài chính Mỹ phải đối mặt "với nguy cơ sụp đổ" nếu điều này thực sự xảy ra.

Theo các chuyên gia phân tích, Nga hoàn toàn có thể viện cớ bị cấm vận kinh tế, khan hiếm ngoại tệ để không trả bất cứ khoản vay nào cho các ngân hàng Mỹ. Đồng thời, nếu Washington phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp và cá nhân Nga, Moskva sẽ đề nghị tất cả những người nắm giữ trái phiếu Mỹ bán ra, có thể là cho Trung Quốc. Chắc hẳn Washington không muốn Bắc Kinh nhanh chóng nâng mức dự trữ trái phiếu Mỹ lên quá con số 1.300 tỷ USD hiện nay.

Trả lời phỏng vấn của RT, Chủ tịch Liên hiệp các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga, ông Alexander Shokhin nói: “Không dễ để áp đặt các lệnh trừng phạt Nga do có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế”.

Ông Shokhin cho rằng,trong trường hợp mối quan hệ với phương Tây xấu đi, Nga có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc để bù đắp. Phương Tây và Mỹ sẽ phải đối mặt với một liên minh Nga – Trung mạnh mẽ hơn, điều này sẽ là thách thức với Mỹ và phương Tây đối với các vấn đề toàn cầu.

Theo Itar-Tass, hiện Thượng viện Nga cũng đang soạn thảo một dự luật xem xét đóng băng tài khoản của các công ty Mỹ và châu Âu đang hoạt động tại Nga. Biện pháp sẽ được thực thi trong trường hợp các lệnh trừng phạt chống lại Nga được áp đặt. Dự luật này cũng sẽ được thảo luận với Duma Quốc gia để có thể nhanh chóng trở thành một đạo luật.

Ông Shokhin cho rằng, việc phương Tây và Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt sẽ không có tác động lớn với Nga. Nếu như tác động của những lệnh trừng phạt này đủ sức nặng thì chính Mỹ và phương Tây cũng phải chịu những “phản ứng phụ” nặng nề hơn. Chắc chắn, hơn ai hết, các nhà lãnh đạo phương Tây hiểu rất rõ điều này và sẽ không có chuyện Mỹ và EU muốn “đứt tay” với chính con dao của mình./.