Sau vụ thử hạt nhân vào ngày 3/9, Triều Tiên tiếp tục hứng chịu sức ép của các cường quốc khi hôm qua (9/9) lãnh đạo 3 nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc gia tăng sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Cùng ngày Mỹ cũng đã chính thức đưa dự thảo trừng phạt Triều Tiên lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

trieu_tien1_scda.jpg
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các tướng lĩnh quân đội Triều Tiên vui mừng sau vụ thử bom H thành công. Ảnh: Reuters.

Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống Emmanuel Macron cùng hai người đồng cấp là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế cần có phản ứng "thống nhất và kiên quyết" đối với Triều Tiên.

Tổng thống Macron nhận định những hành động vừa qua của Triều Tiên là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế", đồng thời khẳng định "tình đoàn kết" với Nhật Bản.

Cũng trong ngày 9/9, chính phủ Mỹ đã chính thức kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu vào ngày 11/9 về nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến giờ nhằm vào Triều Tiên, bất chấp nguy cơ đối đầu với Trung Quốc và Nga.

Theo hãng tin AP, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có hướng tiếp cận hoàn toàn mới với nghị quyết này khi cho lưu hành bản dự thảo do Mỹ soạn hôm 5/9 và muốn cuộc bỏ phiếu diễn ra 6 ngày sau đó.

Một số nhà ngoại giao cho biết việc Mỹ yêu cầu bỏ phiếu chóng vánh là nhằm gây sức ép tối đa lên Trung Quốc, cũng như cho thấy nỗi lo ngày càng tăng của Mỹ sau một loạt động thái khiêu khích gần đây của Triều Tiên, nhất là vụ thử hạt nhân mới nhất và vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản.

Theo đó, dự thảo nghị quyết của Mỹ đề xuất có việc cấm xuất khẩu dầu sang Triều Tiên và mua hàng dệt may của nước này. Chưa hết, dự thảo nghị quyết còn đề xuất đóng băng mọi tài sản ở nước ngoài của chính phủ Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như cấm tuyển dụng lao động nước này ở nước ngoài.

Dự thảo cũng xác định 9 tàu bị cáo buộc tiến hành hoạt động bị cấm bởi những nghị quyết Liên Hợp Quốc trước đó và cho phép bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào chặn các tàu này ngoài biển, sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để kiểm tra và đưa vào bờ mà không cần thủy thủ đoàn đồng ý.

Theo các chuyên gia, sự sốt ruột của Mỹ cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định thời gian đối phó với Triều Tiên đang cạn dần. Một khả năng khác là Mỹ muốn tìm hiểu xem Trung Quốc có sẵn sàng gây sức ép lên Triều Tiên vào thời điểm này hay không.

Một số nhà ngoại giao giấu tên tiết lộ toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an đã thảo luận về dự thảo nghị quyết vào hôm 8/9. Riêng Trung Quốc và Nga tỏ ra sẵn sàng thương thảo dù hiện chưa rõ kết quả. Trong một tuyên bố mới nhất hôm 9/9, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, nước này đang thấy thất vọng với các hành động của Triều Tiên khi vi phạm quy chế không phổ biến vũ khí hạt nhân và nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi lên án những hành động khiêu khích của giới lãnh đạo Triều Tiên khi tiến hành phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân. Điều này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Điều quan trọng đối với Nga là tăng sức ép lên Triều Tiên để kiềm chế nước này thực hiện những chương trình hạt nhân và tên lửa. Chúng ta cũng cần tập trung ưu tiên vào các giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo giới quan sát, đối mặt sức ép ngày càng tăng của các cường quốc, Triều Tiên dường như không nhượng bộ. Trong thông điệp mới nhất, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, kêu gọi tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Trước đó một ngày, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố việc vũ khí hóa hạt nhân của Triều Tiên đã bước vào giai đoạn cuối cùng./.