Triều Tiên cho rằng, những hoạt động như thế này chỉ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại khu vực, đồng thời cảnh báo nguy cơ “một cuộc chiến tranh hạt nhân vượt tầm kiểm soát”.

ulchi_2016_somi.jpg
Binh sỹ Hàn Quốc trong cuộc tập trận "Người bảo vệ tự do Ulchi" năm 2016. (Ảnh: Getty Images)

Hàng nghìn binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc đã tham gia cuộc tập trận hàng năm mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” bắt đầu từ ngày 21/8 và dự kiến kéo dài trong 2 tuần. Được tổ chức từ năm 1976, sự kiện năm nay có sự tham gia của khoảng 50.000 binh lính Hàn Quốc, cùng với 17.500 binh lính Mỹ. 

Đối với Mỹ và Hàn Quốc, đây chỉ là một cuộc diễn tập quân sự thuần túy mang tính phòng vệ, trong khi đối với Triều Tiên, đây lại là sự lặp lại các hành vi khiêu khích và cảnh báo cân nhắc hành động đáp trả quân sự.

Dù mang tính chu kỳ, song cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn năm nay lại khiến dư luận đặc biệt lo ngại, nhất là trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang bị đẩy lên mức cao nhất trong nhiều năm và cuộc chiến ngôn từ không hề nhân nhượng giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên mới đây cảnh báo nguy cơ cuộc khủng hoảng hiện nay leo thang lên thành một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể kiểm soát.

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Triều Tiên không nên phóng đại những nỗ lực của Mỹ và Hàn Quốc thông qua cuộc tập trận chung này.

Ông nói: “Không có khả năng những căng thẳng quân sự hiện nay trên bán đảo Triều Tiên sẽ bị đẩy lên cao nữa, bởi đây là những cuộc tập trận được tổ chức hàng năm và chỉ thuần túy mang tính phòng vệ. Triều Tiên không nên phóng đại của những nỗ lực của chúng ta nhằm giữ hòa bình, cũng như không nên gia tăng các hành vi khiêu khích có thể làm xấu hơn nữa tình hình”.

Với việc lần đầu tiên phóng thành công 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7 vừa qua, Triều Tiên dường như cho thấy đã đặt các căn cứ của Mỹ trên quần đảo Nhật Bản và thậm chí là cả khu vực bờ biển Thái Bình Dương ở phía Tây Bắc nước Mỹ trong tầm ngắm.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, biện pháp quân sự không phải là sự lựa chọn dễ dàng bởi những hệ lụy khôn lường mà tất cả các bên đều không mong muốn.

Chính phủ Mỹ mới đây cũng thừa nhận, mọi giải pháp đã được đặt lên bàn cân, song việc sử dụng các biện pháp quân sự vẫn chưa chính thức được xét đến. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phủ nhận những thông tin cho rằng, nước này đang tìm cách xoa dịu Triều Tiên khi giảm hơn 1 nửa số binh sĩ tham gia cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi”, cũng như cân nhắc việc từ bỏ ý định điều 2 tàu sân bay tới khu vực bán đảo Triều Tiên, song theo các nhà phân tích, động thái này cũng đã phần nào cho thấy Mỹ không muốn mở thêm một chiến trường tại Đông Bắc Á, nhất là trước một đối thủ mà nước này chưa hiểu rõ hết tiềm lực.

Mỹ biết rõ rằng, một chiến dịch quân sự chống lại Triều Tiên sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự ổn định, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Những hậu quả là vô cùng khôn lường.

Cuộc chiến tranh gần đây nhất trên bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1950-1953 đã khiến hàng triệu binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng không đồng ý với một lựa chọn như thế.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên tạm qua giai đoạn đỉnh điểm, Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên (gồm  Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Mỹ) bị ngưng trệ gần 10 năm nay.

“Cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn sẽ không giúp làm giảm căng thẳng cũng như thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói. “Chúng tôi hối thúc Mỹ, Hàn Quốc và các bên liên quan cân nhắc sáng kiến ‘tạm ngừng đổi lấy tạm ngừng’ và có những hành động mang tính xây dựng nhằm làm giảm căng thẳng, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trong thời gian sớm nhất nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.

Dù đề xuất “tạm ngưng đổi lấy tạm ngưng” của Trung Quốc tới nay vẫn bị Mỹ bác bỏ, song đây vẫn là cơ hội lớn nhất cho cuộc khủng hoảng. Bởi, đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc là một trọng tâm trong cách tiếp cận mới của nước này đối với vấn đề Triều Tiên.

Trong những tháng vừa qua, Mỹ đã không ngừng gây sức ép để Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên, coi các biện pháp trừng phạt này là công cụ để buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân./.