Ngày 4/6 đánh dấu tròn 100 ngày cầm quyền đầu tiên của nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Đánh giá lại, khoảng thời gian 100 ngày ngắn ngủi trong nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm của bà Park đã bị phủ bóng đen bởi những căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, trong đó có lời đe dọa từ Bình Nhưỡng về một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, Tổng thống Park Geun Hye còn phải đối mặt với tình trạng bế tắc trong Quốc hội, một số quan chức cấp cao trong chính phủ từ chức và vụ bê bối tình dục ngoại giao gây chấn động… tất cả đều là dấu hiệu về một nhiệm kỳ không hề dễ dàng đối với nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

tong-thong-han-quoc-park-ge.jpg
Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (Ảnh: AFP)

Đối nội và đối ngoại đều gây khó cho nữ Tổng thống đầu tiênBà Park Geun Hye, 61 tuổi - con gái của cựu Tổng thống Park Chung Hee đắc cử Tổng thống Hàn Quốc tháng 12/2012 với hy vọng có thể vực dậy nền kinh tế Hàn Quốc được cho là thiếu ý tưởng và đang ở trong tình trạng hụt hơi sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Park Geun Hye cũng đã đưa ra lời hứa sẽ tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới cho người dân, đồng thời xây dựng một nền “kinh tế sáng tạo” mới, trong đó có việc thay đổi trọng tâm trong những lĩnh vực công nghiệp nặng nhằm đưa Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

Vấn đề ứng xử với Triều Tiên được cử tri Hàn Quốc quan tâm và đây cũng là một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của bà Park. Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà đúng vào ngày bà Park Geun Hye nhậm chức (ngày 25/2/2013), CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 và sự kiện này nhanh chóng trở thành tin thời sự “nóng” trên khắp toàn cầu.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng tăng cao trong suốt tháng 3 và tháng 4 khi Bình Nhưỡng bày tỏ sự tức giận về lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhằm vào nước này, cũng như cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn.

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên khiến dư luận tập trung chú ý nhiều hơn vào nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Tuy nhiên, cách ứng xử của một tổng thống chưa trải qua thử thách như bà Park Geun Hye cũng được dư luận theo dõi sát sao.

Đối với các vấn đề trong nước, bà Park Geun Hye đã vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập về kế hoạch cải tổ cơ cấu của chính phủ. Những “rào cản” tại Quốc hội trong việc phê chuẩn đối với những đề cử cho các chức vụ quan trọng đã khiến bà Park phải hoạt động mà không có một nội các đầy đủ trong nhiều tuần. Đặc biệt, việc bà Park Geun Hye đề cử ông Kim Byung-kwan làm Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng sau đó ông này tuyên bố rút khỏi đề cử vì những cáo buộc sai phạm trong quá khứ, đã khiến dư luận cho rằng bà Park có xu hướng đề cử và quyết định các vị trí quan trọng trong nội các mà không tham khảo ý kiến ​​đầy đủ.

"Về mặt quản lý nhân sự, tôi có thể hào phóng cho bà ấy một điểm D trừ", giáo sư xã hội học Chun Sangchin thuộc trường Đại học Sogang đánh giá. "Cơ bản, bà ấy đã thất bại".

Theo kết quả một cuộc khảo sát hàng tháng được thực hiện bởi Viện Asan có trụ sở tại Seoul, tính đến cuối tháng 3/2013, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Park Geun Hye đã giảm đáng kể.

Tổng thống Hàn Quốc tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ (Ảnh: AFP)

Bà Park đã ghi được những điểm đầu tiên

Diễn biến của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên có thể đã làm thay đổi nhận thức của cử tri Hàn Quốc. Nếu như trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2012, chỉ có 8% cử tri Hàn Quốc coi mối quan hệ với Triều Tiên như một ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2013, cùng với những tuyên bố cứng rắn về một cuộc chiến tranh từ phía Bình Nhưỡng, tỷ lệ này đã tăng lên 30%.

Trong chuyến thăm Washington vừa qua, Tổng thống Park Geun Hye đã từ chối việc đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Bình Nhưỡng, bất chấp lo ngại rằng, Triều Tiên có thể đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến bờ vực của chiến tranh. Khi Triều Tiên quyết định rút công nhân và đóng cửa Khu công nghiệp chung Keasong, Tổng thống Park Geun Hye cũng phản ứng bằng cách rút các nhà quản lý và công nhân của các công ty Hàn Quốc tại Khu công nghiệp này – một động thái được xem như không nhượng bộ trước Triều Tiên.

Cũng theo thống kê của Viện Asan, sau khi trở về từ Washington - nơi bà Park Geun Hye có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và có bài phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, tỷ lệ ủng hộ đối với bà là 69%, mặc dù xảy ra vụ scandal liên quan đến người phát ngôn của bà Park bị cáo buộc quấy rối tình dục một nữ thực tập sinh trong chuyến đi Mỹ.

Choi Jin - một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu về vai trò lãnh đạo của Tổng thống (một viện nghiên cứu tư nhân có trụ sở tại Seoul) cho biết, Tổng thống Park đã vượt qua bài kiểm tra lớn đầu tiên rất tốt. Tuy nhiên theo ông Choi Jin, những thách thức thực sự đối với bà Park nằm trong việc lựa chọn cách ứng xử hợp lý đối với Triều Tiên chứ không phải chỉ ngồi nhìn mối quan hệ này ngày càng đi xuống.

Khi các mối “đe dọa” từ Triều Tiên giảm xuống, trọng tâm hiện nay đối với Tổng thống Park Geun Hye là lên các kế hoạch nhằm tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á - vốn chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2012 - mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Trong bối cảnh những lo lắng gia tăng về việc làm, phúc lợi xã hội và bất bình đẳng trong thu nhập, nhiệm vụ của nữ Tổng thống Hàn Quốc bây giờ là đề ra những giải pháp dài hạn để tập trung công nghệ nhằm tạo ra sự "sáng tạo" mới cho nền kinh tế.

"100 ngày là khoảng thời gian quá ngắn để có thể đánh giá về khả năng của Tổng thống Park Geun Hye trong việc giải quyết những vấn đề dài hạn đặt ra trong nhiệm kỳ 5 năm của bà", giáo sư Chun Sangchin nói./.