Không chỉ một lần khen ngợi
Ngày 5/7, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ là ông Barack Obama chính thức tham dự vào cuộc vận động tranh cử của bà Hillary Clinton- cựu Ngoại trưởng Mỹ, ứng cử viên sáng giá tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của Đảng Dân chủ.
Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Barack Obama tham dự vào cuộc vận động tranh cử của bà Hillary Clinton ngày 5/7. (ảnh: New York Times). |
Phát biểu tại một sự kiện trước hàng ngàn người ủng hộ ở thành phố Charlotte, bang North Carolina, ông Obama đã nói: "Hôm nay tôi có mặt tại đây bởi tôi tin vào Hillary Clinton”.
Tổng thống Obama cũng nói rằng ông tự hào về thời gian cùng làm việc với bà Hillary và đây là ứng cử viên xứng đáng nhất để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ông Obama cho biết, ông sẵn sàng để trao “quyền chỉ huy” cho cựu Ngoại trưởng Mỹ mà ông từng bổ nhiệm.
“Tôi nhận ra bà Clinton rất kiên cường, khi mọi việc không như ý muốn, điều bà làm đơn giản chỉ là đứng thẳng và trở lại mạnh mẽ hơn sau đó”, đương kim Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Về phần mình, bà Clinton bày tỏ biết ơn trước những lời ủng hộ quan trọng của ông Obama. Bà cũng nhắc lại quãng thời gian qua của họ, từ hai kình địch đáng gờm trở thành những người bạn thân thiết.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Obama dành những lời có cánh cho bà Hillary Clinton. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Politico hồi đầu năm nay, ông Obama từng nhận định: “Bà ấy (Hillary) có thể bắt đầu làm việc ở đây (Nhà Trắng) từ ngày đầu tiên với kinh nghiệm nhiều hơn bất kỳ ai khác chưa từng làm Tổng thống”. Vì sao ông Obama ủng hộ bà Hillary Clinton làm Tổng thống Mỹ?
Giáo sư Matt Dickinson, chuyên ngành khoa học chính trị tại trường Cao đẳng Middlebury cho hay: “Trong thực tế, tôi nghĩ rằng ông Obama đã nói rõ từ cuộc phỏng vấn với Polotico rằng ông ấy thích ứng cử viên Hillary Clinton”.
Cách đây một tháng, Tổng thống Obama cũng đã xuất hiện trên video ghi hình cho cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ của bà Hillary. Ông nói: “Tôi đã thấy sự cứng rắn của bà ấy. Tôi đã thấy cam kết của bà ấy đối với những giá trị của chúng ta. Tôi sẽ sát cánh bên bà Clinton. Tôi cảm thấy rất phấn chấn. Tôi mong chờ được tham gia chiến dịch tranh cử cùng bà ấy".
Cuộc vận động tranh cử chung này ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 12/6, song đã phải hoãn lại sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hôm 11/6 tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
Uy tín của Tổng thống Mỹ đang lên
Hồi tháng 5 năm nay, tờ New York News&Politics đã dẫn kết quả khảo sát của công ty thăm dò Gallup (Mỹ) cho thấy, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama càng về cuối nhiệm kỳ càng được cải thiện.
Ông Obama là "vũ khí" hữu hiệu được bà Hillary tung ra sau cú thoát hiểm của vụ “bê bối email cá nhân”? (ảnh: Reuters). |
Tỉ lệ ủng hộ trung bình ông Obama năm 2015 là 46%, thì đến tháng 5/2016, tỉ lệ đó là 51% - bằng mức ủng hộ khi ông vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 2 năm 2012.
Nhiều người kỳ vọng, ông Obama chính thức bước vào cuộc tranh cử của bà Hillary khi uy tín đang lên có thể tạo nên một “cú hích” lớn. Thậm chí, các phương tiện truyền thông còn gọi ông Obama là vũ khí “hữu hiệu” được bà Hillary tung ra sau cú thoát hiểm của vụ “bê bối email cá nhân”.
Thú vị ở chỗ bà Hillary từng là “đối thủ” của ông Obama trong cuộc chạy đua năm 2008 để làm người đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Cuộc chạy đua thất bại, bà Hillary rút lui và quay sang ủng hộ ông Obama trở thành Tổng thống. Đáp lại, sau khi lên làm Tổng thống, ông Obama đã bổ nhiệm bà trở thành Ngoại trưởng Mỹ.
Phe Dân chủ cho rằng không chính trị gia nào chứng thực cho bà Clinton tốt hơn Obama, bởi ông từng là đối thủ bà nhưng cuối cùng lại trở thành một trong những người ủng hộ lớn nhất cho cựu ngoại trưởng Mỹ. Từ đối thủ trở thành bạn bè, ông Obama hẳn sẽ hiểu rõ bà Hillary là ai.
"Tôi nghĩ ông ấy rất có ảnh hưởng, đặc biệt đối với các cử tri đảng Dân chủ và một số cử tri độc lập còn nghi ngờ bà Clinton", David Axelrod, phụ tá đắc lực nhất cho ông Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2008, nhận định. Những nhà lãnh đạo nữ được dự báo sẽ “làm nên chuyện” năm 2016
Ông Axelord cho biết thêm, việc họ từng là đối thủ, từng có những bất đồng sẽ khiến những nhận định của ông Obama về bà Clinton trở nên thuyết phục hơn.
Ban vận động tranh cử của bà Clinton hy vọng, sự hợp tác của ông Obama có thể nhắc các cử tri nhớ đến một chương khác tươi đẹp hơn trong sự nghiệp chính trị của bà. Jennifer Palmieri, cố vấn ban vận động tranh cử của bà Clinton, nhận xét, sự ủng hộ của ông Obama mang nhiều ý nghĩa đối với cử tri.
Trong khi đó, bình luận viên Jeff Shesol từ tạp chí New Yorker cho rằng để bảo vệ các thành quả chính sách đã đạt được, ông Obama cần bà Clinton thắng cử và bà Clinton cần sự ủng hộ của ông Obama để có được những lá phiếu của các cử tri trẻ tuổi, cử tri gốc Phi và châu Mỹ Latin, những người dành nhiều tình cảm cho ông Obama.
Không thể là “chiếc vé đảm bảo”
Có được sự ủng hộ của Tổng thống đương nhiệm nước Mỹ, đương nhiên bà Hillary Clinton sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc đua lần này. Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông Obama cũng chỉ như là một phần “gia vị cho cuộc đua” chứ không thể là “chiếc vé đảm bảo” cho thành công của bà Hillary Clinton.
Trước hết, sự ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ đối với chiến dịch tranh cử của bà Hillary sẽ luôn có 2 mặt tốt và xấu.
Sự ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ đối với chiến dịch tranh cử của bà Hillary sẽ luôn có 2 mặt tốt và xấu. (ảnh: AP). |
Việc bà Hillary Clinton ở cùng chuyên cơ Air Force One cùng với Tổng thống Mỹ để tới vận động tranh cử tại Charlotte ngày 5/7 đã tạo ra kẽ hở để đối thủ nặng ký của Đảng Cộng hòa Donal Trump có cơ hội công kích.
Ông Trump đã viết trên Twitter của mình rằng: "Tại sao Tổng thống Obama lại được phép sử dụng chuyên cơ trong một chiến dịch tranh cử của bà Hillary? Ai trả tiền cho họ?".
Thậm chí, khi ông Obama bước chân vào chiến dịch tranh cử cho bà Hillary năm nay, một số người còn cho rằng bà Hillary đang dựa hơi vào sự nổi tiếng của ông Obama nhằm tạo ảnh hưởng lên những người Mỹ gốc Phi. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ giống như cuộc chạy đua cho “nhiệm kỳ thứ 3 của ông Barack Obama”.
Hồi đầu tháng 10/2015, tạp chí Politico (Mỹ) từng đăng tải nhận định: “Sẽ chẳng có gì khác mấy giữa bà Clinton và ông Obama. Bà Clinton sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của ông Obama. Có thể nói nếu bà Clinton chiến thắng và trở thành Tổng thống thì cũng sẽ giống như nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba và thứ tư của ông Obama”.
Thứ hai, bê bối liên quan đến email cá nhân khi bà Hillary còn đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng Mỹ vẫn đang gây sức ép lên chiến dịch tranh cử của bà dẫu cho FBI ngày 5/7 đã tuyên bố sẽ không truy tố vụ việc.
Tuy nhiên, giám đốc FBI James Comey cũng nhấn mạnh, việc bà Hillary và các đồng nghiệp sử dụng email cá nhân để gửi các thông tin mật là điều “cực kỳ thiếu cẩn trọng” bởi sự bất cẩn với những thông tin đó có thể được coi là một tội nghiêm trọng theo Luật Gián điệp. Tổng thống Obama hết lời ca ngợi Hillary Clinton, mỉa mai Donald Trump
Ông Nick Merrill, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton, cho biết trong một phỏng vấn kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ, bà đã tự nguyện trả lời các câu hỏi của FBI.
Bà Clinton bị cáo buộc đã gửi hàng chục nghìn bức thư điện tử liên quan tới công vụ được đánh dấu “mật” và “tuyệt mật” bằng hộp thư điện tử cá nhân, trong đó, khoảng 30.000 email "cá nhân" đã bị xóa.
Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ lại cho rằng, những tài liệu đó không được coi là bí mật vào thời điểm bà gửi chúng đi. Bà cũng khẳng định rằng việc sử dụng email cá nhân hoàn toàn hợp pháp.
Đảng Cộng hòa từng phản ứng rất dữ dội về bê bối nói trên, và sử dụng bê bối này như là một công cụ chính để tấn công bà Hillary trong thời gian tranh cử vừa qua, khiến bà Hillary không ít lần “khốn đốn”. Có thể nói, vẫn còn một quãng đường dài phía trước và rất nhiều khó khăn mà bà Hillary phải đối mặt để có thể lấy được niềm tin từ dân chúng Mỹ sau vụ bê bối này.
Cuối cùng, việc cựu Ngoại trưởng Mỹ, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton có thành công hay không trong cuộc chạy đua lần này chủ yếu phụ thuộc vào việc bà sẽ làm gì cho người dân nước Mỹ và khả năng thực hiện những cam kết mà bà đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
“Chiếc vé chắc chắn” đưa bà Hillary đi đến chiếc ghế quyền lực nhất ở Nhà Trắng là chính bản thân bà, chứ không phải ai khác./.