Mũi tên và nhành Olive

Hãng tin Sputnik dẫn thông tin đăng tải trên trang mạng Twitter cho biết, có một tình tiết bất ngờ mà nhiều người bỏ qua khi Tổng thống Donald Trump công bố quyết định tấn công Syria hôm 14/4 vừa qua, đó là lá cờ mang hình quốc huy của nước Mỹ sau lưng ông được gập theo một cách đặc biệt - đầu của con đại bàng hướng về nhành olive.

trump_qxwn.jpg
Quốc kỳ (trái) và Lá cờ mang hình Quốc huy (phải) của Mỹ sau lưng Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Sputnik.

Thông thường khi Tổng thống Mỹ phát biểu, sau lưng sẽ là quốc kỳ và lá cờ mang quốc huy ở hai bên. Cách sắp đặt quốc huy thường được thay đổi phụ thuộc vào bản chất tuyên bố mà người đứng đầu nước Mỹ đưa ra.

Trên quốc huy của nước Mỹ có hình một con chim đại bàng với một chân cầm bó tên, tượng trưng cho Chiến Tranh, chân kia cầm một cành olive, tượng trưng cho Hoà Bình và hàng chữ "E Pluribus Unum", có nghĩa là Đoàn Kết. Huy hiệu này chứng tỏ rằng Mỹ sẵn sàng đứng ra để giữ hoà bình cho dù phải dùng vũ lực của chiến tranh. 

Chẳng hạn như khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama công bố động thái quân sự nhằm vào các quốc gia khác, lá cờ được gấp theo cách giấu nhành olive, trong khi hình mũi tên – biểu tượng chiến tranh được quan sát rõ ràng. Còn với những tuyên bố phi quân sự, lá cờ được gấp theo cách để lộ nhành olive và giấu đi mũi tên.

Điều ngạc nhiên ở đây là, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tấn công Syria thì đầu con đại bàng lại hướng về nhành olive. Chi tiết đặc biệt này khiến giới quan sát nhận định rằng ông Trump vẫn muốn duy trì bầu không khí hòa bình, thay vì một cuộc chiến toàn diện và các cuộc không kích chỉ dừng lại ở mục đích răn đe.

Mỹ thực sự không muốn chiến tranh?

Trong đợt tấn công Syria hôm 14/4, Mỹ và đồng minh dùng gấp đôi lượng tên lửa so với đòn trừng phạt hồi năm ngoái và nhằm vào nhiều mục tiêu hơn, song lại không gây thiệt hại nghiêm trọng cho năng lực chiến đấu của quân đội Syria. Bên cạnh đó cuộc tấn công được lên kế hoạch cẩn thận để tránh các căn cứ quân sự của Nga trên lãnh thổ Syria cũng như tối thiểu hóa nguy cơ gây thương vong cho binh sĩ Nga. Điều này “nằm trong tính toán” của Tổng thống Mỹ khi ông muốn tránh “gây khiêu khích” các đồng minh quan trọng của Syria như Nga và Iran.

Theo các nhà quan sát, thông điệp tránh đối đầu trong đòn tấn công hạn chế này chính là lý do Nga hoặc Iran “im hơi lặng tiếng” và không tung đòn đáp trả. Nhờ vậy, thế giới và khu vực tránh được một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa các cường quốc hạt nhân.

Hãng tin Sputnik dẫn phát biểu của ông Hassan Faraj, thuộc Trung tâm nghiên cứu ngoại giao và chiến lược Paris cho biết, trên thực tế, Mỹ chỉ muốn sử dụng đòn tấn công này để răn đe chính phủ Syria cũng như Iran và Triều Tiên, gửi đi thông điệp rằng: “Mỹ và phương Tây sẵn sàng tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp nếu phát hiện mối đe dọa của vũ khí hủy diệt hàng loạt mà không cần bằng chứng xác thực, chỉ căn cứ vào thông tin tình báo, thậm chí cũng không cần có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nơi mà Nga và Trung Quốc tất yếu sẽ dùng quyền phủ quyết".

Ngoài mục đích nêu trên, Mỹ còn muốn tái khẳng định vai trò và ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông nói chung cũng như tại Syria nói riêng khi nhận thấy vị thế của nước này quá lu mờ trước ảnh hưởng của Nga.

Cây bút chuyên mảng chính trị và tài chính Alessandro Bruno của Lombardi Letter cho rằng: “Mỹ và đồng minh như Saudi Arabia và Israel đã phải chịu thất bại lớn tại Syria. Thất bại này thể hiện ở việc bất chấp các nỗ lực can thiệp, Tổng thống Syria Bashar Al Assad vẫn tiếp tục nắm quyền. Nếu Mỹ không thể “đánh vỗ mặt" Nga, nước này sẽ bị yếu thế tại Trung Đông”.

Tổng thống Trump ban đầu muốn giáng đòn nặng nề vào các căn cứ quân sự chính ở Syria, nhưng sau đó quyết định chỉ tiêu diệt các cơ sở được cho là chứa vũ khí hoá học, bởi ông nhận ra rằng nhiều nhân vật trong chính quyền, thậm chí cả các cử tri ủng hộ ông không muốn Mỹ sa lầy vào cuộc chiến ở Syria. Điều này được khẳng định lại một lần nữa trong tuyên bố của Nhà Trắng hôm 15/4. 

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trump vẫn muốn lực lượng Mỹ đang đồn trú ở Syria trở về nước trong thời gian sớm nhất. “Tổng thống Trump thể hiện lập trường rõ ràng muốn lực lượng Mỹ tại Syria trở về nhà nhanh như có thể. Chúng tôi quyết tâm đánh bại IS và ngăn chặn tổ chức này quay trở lại hoành hành. Sứ mệnh của Mỹ không thay đổi. Tuy nhiên đã đến lúc chúng tôi hy vọng các đồng minh và các đối tác đảm nhận trách nhiệm lớn hơn về cả quân sự lẫn tài chính để đảm bảo an ninh cho khu vực", bà Sanders nói./.